Xã Tân Khánh: Giảm nghèo từ mô hình kinh tế rừng

BVR&MT – Xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên còn nhiều thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc diện thuộc chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Trong những năm gần lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, sự hỗ trợ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình, trong đó có mô hình phát triển kinh tế rừng sản xuất mang lại nhiều tín hiệu giảm nghèo tích cực.

Giảm nghèo từ mô hình kinh tế rừng đang nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ chính quyền và nhân dân xã Tân Khánh.

Thời gian qua, Hạt kiểm lâm Phú Bình thực hiện quyết định số 159/QĐ-CCKL ngày 27/02/2017 về công tác quản lý và phát triển rừng, tham mưu UBND huyện Phú Bình thực hiện công tác phát triển rừng trên diện tích 350,0 ha. Trong đó, toàn huyện Phú Bình hiện có trên 6.200 ha rừng sản xuất, tập trung ở các xã như: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Bàn Đạt, Tân Khánh.

Xã Tân Khánh, huyện Phú Bình trồng được 49,5ha rừng sản xuất, đạt 100% kế hoạch năm. Với đặc thù địa hình của xã Tân Khánh nói riêng và huyện Phú Bình nói chung đa số là đồi bát úp, không có độ dốc lớn nên rất thuận lợi cho công tác trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch lâm sản.

Chia sẻ niềm vui với phóng viên, Ông Đặng Văn Hồng, người dân tộc Sán Dìu, xã Tân Khánh cho hay, sau một chu kỳ khoảng 5 năm là chúng tôi có một khoản tiền khoảng 70 triệu đồng/ha. Bà con chúng tôi bây giờ quý đất, quý rừng lắm, toàn xã không có diện tích đất đồi nào bị bỏ hoang cả. Đến kỳ thu hoạch, chúng tôi đều làm hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác.

Qua đánh giá của người dân tham gia mô hình giống keo lai cho năng suất cao, chống đổ tốt, kháng bệnh tốt; thời gian sinh trưởng ngắn, từ 5 năm đã được thu hoạch. Năng suất đạt hơn 70 triệu đồng/ha.

Cán bộ kiểm lâm thăm hộ gia đình trồng rừng kinh tế người dân tộc Sán Dìu, xã Tân Khánh

Trao đổi với Phóng viên, ông Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: “Trong những năm qua, Hạt luôn hỗ trợ người dân phát triển các mô hình trồng rừng sản xuất, các mô hình kinh tế đồi rừng để bà con thực sự yên tâm gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng”.

Có thể thấy mô hình trồng rừng sản xuất mang lại nhiều lợi ích tích cực. Một là trong công tác phát triển rừng mang tính bền vững. Hai là mang lại lợi ích kinh tế cần được nhân rộng trên nhiều địa bàn. Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Hạt kiểm lâm trong công tác phát triển rừng. Các xã thuộc diện chương trình 135 sẽ có nhiều lợi thế và hướng giảm nghèo bền vững mới.

Thạch Thảo – Văn Trì