Xã nghèo Hùng Sơn thay da đổi thịt nhờ cây chè

BVR&MT – Chúng tôi đến xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) khi toàn xã đang hối hả vào vụ thu hoạch chè. Những đồi chè xanh mơn mởn chen lẫn những xóm làng tạo nên bức tranh làng quê mộc mạc đầy sức sống. Bà con làng trên xóm dưới, ai ai cũng bận rộn nhưng phấn khởi khi thời điểm này giá chè vẫn ở mức 4,6 triệu đồng/1 tấn chè tươi.

Vốn là vùng đất đồi khô cằn, nhiều năm trước Hùng Sơn vẫn còn là một xã nghèo ở huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An. Nhiều cây trồng đã được thử nghiệm nhưng chỉ khi đến cây chè, thì mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Thời điểm hiện tại, giá chè ở mức 4,6 triệu đồng/1tấn chè tươi.

Năm 2001, Ban Lãnh đạo xã Hùng Sơn mạnh dạn triển khai giao đất, giao rừng cho các hộ dân phát triển cây chè.Trải qua những khó khăn bước đầu, cây chè giờ đây đã đứng vững trên vùng đất đồi và là cây phát triển kinh tế chủ lực của xã.Đến nay, cả xã Hùng Sơn có hơn 900 hộ thì có đến hơn 700 hộ trồng chè trên diện tích 450 ha. Đây là một trong những vùng nguyên liệu chè lớn nhất và tốt nhất của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. 1 ha trồng chè ở Hùng Sơn mỗi năm cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng, năng suất bình quân đạt từ 30 – 40 tấn/ha/năm. Cây chè mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng cho các hộ trồng chè ở xã Hùng Sơn.

Nông dân Anh Sơn hối hả thu hoạch chè.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, việc chất lượng và đa dạng hóa chè thương  phẩm cũng như mở rộng các cơ sở sản xuất chè thương phẩm cũng được  Lãnh đạo xã Hùng Sơn cũng như bà con nông dân nơi đây chú trọng nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân xã Hùng Sơn cho biết: “Hiện nay, xã đang vận động, khuyến khích bà con phát triển chè sạch, chè VietGap, đa dạng hóa sản phẩm để ngày càng đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Nhờ đó, chất lượng chè Hùng Sơn ngày càng được nâng cao, thị trường ưa chuộng. ”.

Năm 2018, mô hình trồng chè theo hướng VietGap đã chiếm tới 1 nửa diện tích trồng chè của toàn xã, trong đó, có 130 ha được chứng nhận VietGap.Gia đình ông Nguyễn Văn Thuận, thôn 5, xã Hùng Sơn trồng chè 10 năm nay.Được đào tạo, vận động và biết được chất lượng cũng như giá trị của chè Vietgap trên thị trường, hiện ông Thái cùng nhiều hộ trồng chè ở trong xã đã áp dụng sản xuất chè sạch theo hướng VietGap, quy trình trồng và chăm sóc chè không sử dụng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Anh Sơn đã có 3 nhà máy thu mua, chế biến chè búp tươi.

Bên cạnh nâng cao chất lượng chè, một số hộ gia đình ở Hùng Sơn còn mạnh dạn phát triển những sản phẩm chè đặc biệt như hộ trồng chè Phạm Văn Quý sản xuất loại chè Matcha theo công nghệ Nhật Bản.Năm 2016, sau khi được tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) mời sang Nhật Bản tham quan học tập mô hình sản xuất chè Matcha, trở về quê hương, ông Quý mạnh dạn trồng 7 sào chè phủ bạt và đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất loại chè này. Để chè đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu của các đối tác Nhật Bản và được đặt hàng lâu dài, gia đình phải tuân thủ theo một quy trình hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt từ các khâu như: cách làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hùng Sơn có 5 cơ sở chế biến chè là công ty chè Đồng Lam, xí nghiệp chè Hùng Sơn, Hợp tác xã chè Minh Sáng, xưởng chế biến chè Quý Oanh, Mạc Điền. Mỗi năm, các cơ sở chế biến chè xã Hùng Sơn sản xuất ra thị trường 7.000 tấn chè búp tươi.

Từ một xã nghèo, nhờ cây chè, mảnh đất Hùng Sơn đang ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân nơi đây đã ổn định và ngày càng khấm khá hơn. Làng trên xóm dưới, người dân chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, xã Hùng Sơn vươn lên trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Anh Sơn. Thành quả ấy là công sức cố gắng của Lãnh đạo và nhân dân xã nhà, là động lực và là điển hình cần xem xét nghiên cứu để nhân rộng trên toàn huyện Anh Sơn cũng như các huyện miền núi ở Nghệ An.

Đình Nguyên