Xã Lộc An (Long Thành – Đồng Nai): Biệt thự “khủng” trên đất nông nghiệp, chính quyền “làm ngơ” đến bao giờ?

BVR&MT – Tại xã Lộc An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã và đang bị “xâm phạm” để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, bến bãi trái phép vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường… Tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài, ngang nhiên, nhưng không được các cấp Chính quyền huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xử lý dứt điểm, khiến người dân bất bình.

Lời tòa soạn: Hàng loạt công trình đã và đang xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhưng, đến nay việc thi công trái phép vẫn ngang nhiên thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật khiến người dân vô cùng bức xúc. Tình trạng kéo dài dẫn đến sai phạm chồng sai phạm và có thể gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu cho sự phát triển và môi trường đầu tư tại địa phương.

Ghi nhận thực tế tại những công trình sai phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Ban Biên tập một lần nữa tiếp tục đăng bài viết nhằm gửi những kiến nghị đến các Cơ quan chức năng, cơ quan Quản lý Nhà nước tại địa phương và bạn đọc dưới góc nhìn chân thực, khách quan, đa chiều về một thực trạng như là “vấn nạn” đang tồn tại, diễn ra suốt thời gian dài tại nơi đây mà chưa được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương xử lý nghiêm gây ảnh hưởng xấu đến đời sống dân sinh và công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, xây dựng nông thôn mới!

Video: Biệt thự “khủng” trên đất nông nghiệp, chính quyền làm “ngơ” đến bao giờ?

Người dân ấp Bình Lâm, xã Lộc An cho biết: Ấp Bình Lâm nhiều năm nay đang bị “biến tướng” nghiêm trọng. Từ một khu đất nông nghiệp đến nay, khu đất này đang bị “hô biến” thành những căn biệt thự “khủng” ngang nhiên xây dựng, vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, Luật xây dựng và bảo vệ môi trường,,, nhưng không được các cơ quan chức năng huyện Long Thành xử lý nghiêm.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã ghi nhận cận cảnh căn biệt thự “khủng” tại ấp Bình Lâm được xây dựng tại vị trí tờ bản đồ số 14, thửa 96 diện tích 10.000m2 có dấu hiệu xây dựng không giấy phép và hiện có một công trình biệt thự được xây dựng bề thế đã hoàn thiện xong phần thô. Thời điểm phóng viên có mặt (ngày 28/7/2022) nhóm thợ đang thi công phần hoàn thiện của ngôi nhà.

Trên bản đồ quy hoạch của tỉnh Đồng Nai 2030 thể hiện mục đích sử dụng của khu đất này là CLN (đất dùng trồng cây lâu năm)… thế nhưng những khu đất này lại đang tiến hành xây dựng công trình kiên cố.

Ngay cạnh công trình này cũng có nhiều công trình dạng biệt thự được xây dựng trên đất nông nghiệp, hiện công trình đã hoàn thiện và đi vào sử dụng hoành tráng như dinh thự thế này mà các cấp Chính quyền sở tại lại không hề hay biết?.

Điều đáng nói là trong suốt một thời gian dài người dân tự ý đầu tư xây dựng trái phép các công trình nhà ở khang trang, đồ sộ trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, thật sự không hiểu vì sao ngành chức năng địa phương lại không quyết liệt vào cuộc xử lý dứt điểm?

Thực tế trên đã khiến dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, phải chăng đang có cá nhân nào “chống lưng” cho người dân xây dựng các công trình khủng trên đất nông nghiệp?

Đề nghị UBND huyện Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng quy định với một số cá nhân và đặc biệt xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu bao che cho sai phạm để trục lợi, lợi ích nhóm (nếu có).

Phóng viên ghi nhận thực tế các công trình vi phạm ngày 28/7/2022:

Sở dĩ nhiều công trình “khủng” được xây dựng không phép trên địa bàn xã Lộc An không bị xử lý do có dấu hiệu bao che, làm ngơ của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền?

Công trình “khủng” có dấu hiệu xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Chia sẻ thông tin về những công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp mà chính quyền có dấu hiệu bao che và không cưỡng chế phá dỡ thì phải xử lý như thế nào? Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Chủ tịch UBND huyện và các Phòng ban chức năng sẽ bị xử lý như thế nào nếu để xảy ra vi phạm về đất đai như bao che, làm ngơ cho sai phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp? Theo quy định của pháp luật thì việc xảy ra như thế sẽ xử lý như nào, có bị xử lý hình sự không? Luật sư Trần Thị Thanh Lam – VPLS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết:

Luật sư: Việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Điều 207 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

  1. a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
  2. b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
  3. c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.

Một trong những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong khi thi hành công vụ bị xử lý theo quy định tại Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP là Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích; Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.

Đối tượng bị xử lý vi phạm là Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai; Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.

Như vậy nếu người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực quản lý đất đai mà có dấu hiệu bao che, làm ngơ cho việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nhóm Phóng viên BVRMT thực hiện