Xã An Nông (Tịnh Biên – An Giang): Đẩy mạnh công tác PCCC rừng mùa khô 2019

BVR&MT – Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, tình trạng nắng nóng khô hanh kéo dài, độ ẩm thấp. Kiểu rừng trên địa bàn xã An Nông (Tịnh Biên – An Giang) thuộc kiểu rừng rụng lá theo mùa, thảm thực bì bao gồm: cây bụi, cỏ tranh, le,.. đã ngã sang màu vàng khô, tạo thành lớp vật liệu dầy, dễ bén lửa dưới tán rừng.

Xã An Nông có diện tích tự nhiên gần 3.253,5 héc ta, trong đó diện tích rừng là hơn 440 héc ta, gồm có rừng đồi núi là 300 héc ta và hơn 140 héc ta rừng khoanh nuôi. Địa hình bán sơn địa vừa có đồi núi vừa có đồng bằng, dốc đá hiểm trở, do đó việc điều động phương tiện, dụng cụ gặp khó khăn, nguồn nước hiếm, kiểu rừng rụng lá vào mùa khô dễ gây cháy nhưng khó chữa cháy.

Trong năm 2018, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, nhận thức của nhân dân có nhiều chuyển biến, nhờ tập trung công tác tuyên truyền, vận động. Tổ chức phân công tuần tra, kiểm tra túc trực, nắm vững tình hình, bám chắc địa bàn, nhất là 3 lực lượng Quân sự, Công an và Kiểm lâm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm các lực lượng bảo vệ rừng, các chủ giao khoán rừng, cũng như công tác phối kết hợp giữa các đơn vị chặt chẽ, thường xuyên. Từ đó, Ban Chỉ huy đến tận cơ sở, nắm tình hình và chỉ đạo cụ thể về công tác phòng cháy chữa cháy rừng thật sự được chủ động đảm bảo và không xảy ra vụ cháy nào trong đất lâm nghiệp.

Lá khô tăng nguy cơ cháy rừng tại xã An Nông (Tịnh Biên – An Giang).

Qua đó, tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, chủ động tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2018- 2019. Ngay từ đầu năm, xã An Nông đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá những kết quả trong năm qua, chỉ ra những hạn chế, thuận lợi và triển khai thực hiện phương án bảo vệ- phòng cháy chữa cháy rừng năm 2019, với mục tiêu nhiệm vụ là “Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, đặc biệt tập trung cho vùng trọng điểm không để xảy ra cháy. Nếu có cháy sẽ huy động mọi nguồn lực để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại rừng”.

Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng chặt phá cây rừng, phát dọn đất rừng làm rẩy để trồng cây ăn trái, đồng thời thành lập mới Ban Chỉ huy về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững xã An Nông (gọi tắc là BCH), nâng cao hiệu quả hoạt động của BCH, liên kết cùng các ngành ,đoàn thể trên địa bàn quanh vùng, gồm các xã An Cư, thị trấn Tịnh Biên tổ chức tuyên truyền mở rộng. Phân công kiểm lâm, kỹ thuật viên lâm nghiệp bám sát địa bàn, tranh thủ sự trợ giúp của từng hộ gia đình, vận động nhân dân tự trồng cây phân tán trên các tuyến lưu thông theo trục lộ, tuyến dân cư và chung quanh nhà, nhằm giải quyết nhu cầu chất đốt, gỗ xây dựng trong tương lai, góp phần giảm bớt áp lực đến rừng. Ngoài ra, xã An Nông thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế- xã hội, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân tại địa phương.

Tăng cường biện pháp phòng chống cháy rừng đang được địa phương đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn, bộ phận chuyên trách phải tăng cường tổ chức tuần tra, đôn đốc các chủ khoán rừng thực hiện phát dọn cỏ, dây leo, thảm thực vật khô, để hạn chế cháy. Ngành kiểm lâm cũng tiến hành tu bổ và xây dựng 3 đường băng cản lửa khu vực núi Phú Cường, có tổng diện tích 15.32 ha, trong đó xây dựng 2 đường băng ngang dài 2,4km, rộng 20m và một đường băng đỉnh rộng 30m, dài 3,5km. Chủ động dự trữ nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy từ tu bổ 22 bồn xi măng chứa nước nằm rải rác trong rừng (mỗi bồn một mét vuông), 4 bồn Inox tại bờ Đông Phú Cường (mỗi bồn chứa 8 mét khối nước), 300 cal nhựa dự trữ 12 lít nước/cal bố trí tại các ấp, đơn vị Quân sự, Công an và chốt bảo vệ rừng, trang bị 4 máy bơm chữa cháy, 8 cuộn dây bơm và huy động các bình máy xịt tay của các hộ dân trong khu vực, nhằm ứng cứu chữa cháy kịp thời và có hiệu quả khi có xảy ra sự cố cháy.

Mặt khác, thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo cháy rừng của Chi  Cục Kiểm lâm và trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kiểm tra, phát hiện sớm và thông báo ngay điểm cháy rừng; tăng cường công tác bố trí, phân công lực lượng túc trực xuyên suốt trong những tháng cao điểm mùa khô, nhất là những khu vực trọng điểm được xác định có nguy cơ cháy cao. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương phối hợp với Đài phát thanh địa phương tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tài nguyên rừng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ rừng là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình cũng như cộng đồng dân cư. Rừng là một trong những tài nguyên quý báu mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nước ta, rừng có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng với môi trường sinh thái, đóng góp giá trị to lớn với nền kinh tế quốc gia, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc.

Hữu Ngọc