WWF: 91 loài mới được phát hiện tại Việt Nam trong năm 2020

BVR&MT – Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), 91 loài mới đã được phát hiện tại Việt Nam năm 2020, trong đó có 85 loài đặc hữu.

Loài ếch đầu to là một trong số 91 loài mới được phát hiện tại Việt Nam năm 2020. (Ảnh: WWF)

Báo cáo phát hành ngày 26/1 tập hợp hàng trăm công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn, các viện nghiên cứu trên thế giới.

Dữ liệu được công bố cho thấy trong năm 2020 đã có 155 loài thực vật, 16 loài cá, 17 loài lưỡng cư, 35 loài bò sát và một loài động vật có vú được phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, nâng tổng số loài được phát hiện nơi đây lên tới 3.007 loài kể từ 1997.

Bốn quốc gia khác thuộc Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng bao gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar ghi nhận 133 loài mới. Rất nhiều loài trong số này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất sinh cảnh, mất rừng và bị sắn bắt, buôn bán bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Với 91 loài mới được phát hiện, trong đó 85 loài đặc hữu, Việt Nam chắc chắn là một trong những nơi đầy tiềm năng cho việc nghiên cứu và khám phá các loài mới. Các loài này là những tuyệt tác của hàng triệu năm tiến hoá, nhưng hiện đang phải chịu rất nhiều mối đe doạ. Nhiều loài có thể đã tuyệt chủng trước khi được biết tới”.

Trong số những loài này có loài ếch đầu to được tìm thấy tại Việt Nam và Campuchia, hiện đang bị đe doạ bởi mất rừng và suy thoái rừng diễn ra liên tiếp và việc bắt nòng nọc của loài này để làm thức ăn.

Một loài cây dâu tằm (Artocarpus montanus) sống tại vùng núi phía nam và miền trung Việt Nam, có họ hàng với cây mít và sa kê. Artocarpus montanus được phát hiện lần đầu tiên trong các mẫu vật 70 tuổi tại Vườn bách thảo Missouri, Mỹ. Phân tích DNA đã xác nhận đây là một loài mới vào năm 2020.

Theo WWF, những khám phá này được xác định và ghi chép một cách cẩn thận bởi các nhà tự nhiên học và phân loại học, chứng tỏ rằng Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng vẫn là tiền tuyến cho các khám phá khoa học và là điểm nóng về đa dạng loài. Nhiều loài đã tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện, do môi trường sống bị phá hủy, dịch bệnh lây lan bởi các hoạt động của con người, sự săn mồi và cạnh tranh từ các loài xâm lấn, và đặc biệt là tác động tàn phá của các hoạt động bất hợp pháp như săn bắt và đặt bẫy trộm trong các khu bảo tồn và các khu vực có độ đa dạng sinh học cao.

Đặc biệt, một báo cáo mới của WWF cho biết các loài linh trưởng trong khu vực đang bị suy giảm nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây. Sinh cảnh của chúng bị mất và suy thoái do các hoạt động con người như khai thác gỗ bất hợp pháp, chuyển đổi sử dụng đất và chăn thả gia súc. Săn bắt và đặt bẫy cũng gây áp lực lớn lên các quần thể linh trưởng, khiến nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.