WHO: Nên cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh thay vì cấm chợ động vật tươi sống

BVR&MT – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa rút lại việc ủng hộ lệnh cấm toàn cầu các chợ giết mổ động vật ngoài trời bất chấp đại dịch Covid-19 khiến những nơi này dễ sinh sôi bệnh tật.

Peter Ben Embarek, nhà khoa học về bệnh động vật và an toàn thực phẩm thuộc WHO cho biết chợ động vật sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu người, chính quyền nên tập trung vào việc cải thiện thay vì cấm đoán cho dù các chợ này có thể gây ra dịch bệnh ở người.

Nhiều nhà khoa học cho rằng một chợ động vật ở Vũ Hán, Trung Quốc có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc virus corona mới xuất hiện nhưng WHO không khuyến nghị đóng cửa các chợ như vậy trên toàn cầu.

“An toàn thực phẩm trong các môi trường này khá khó khăn và do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi đôi lúc chúng ta gặp phải những sự kiện như thế”, theo tiến sĩ Embarek.

Cách giảm nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người ở các chợ thường xuyên quá tải là cải thiện các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và thực phẩm, bao gồm tách động vật sống ra khỏi người.

Tuy nhiên, không chỉ bị sử dụng với mục đích làm thực phẩm, động vật bị buôn bán tại các chợ và quầy hàng trên đường phố ở Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ còn thường bị giết mổ tại chỗ để làm thuốc hoặc bán làm cảnh.

Teresa Telecky, phó chủ tịch phụ trách động vật hoang dã thuộc Humane Society International (HSI) cho rằng: “Nhận xét của WHO không đề cập đến vấn đề động vật hoang dã được bán làm thực phẩm ở các chợ này – đó là khác biệt quan trọng khi mà bằng chứng khoa học cho thấy các bệnh như Covid-19 và SARS có nguồn gốc từ chợ động vật hoang dã”.

“Buôn bán động vật hoang dã gây ra đại dịch Covid-19, và WHO có nghĩa vụ khuyên các nước giảm nguy cơ xảy ra đại dịch khác bằng cách coi các chợ động vật hoang dã là bất hợp pháp”, Teresa Telecky nhấn mạnh.

Chợ ĐVHD ở Möng La, bang Shan, Myanmar. (Ảnh: Dan Bennett/Wikimedia Commons)

Mark Jones, bác sĩ thú y thuộc Tổ chức Free Free Foundation cũng đồng tình: “Không ai biết đại dịch tiếp theo bắt nguồn từ đâu nhưng chợ động vật hoang dã là một rủi ro lớn. Theo quan điểm của chúng tôi, WHO nên có cách tiếp cận mang tính phòng ngừa. Gần như không thể áp dụng các biện pháp vệ sinh hiệu quả vào các chợ động vật hoang dã để loại bỏ rủi ro”.

Mặc dù các lời kêu gọi hạn chế chặt chẽ hơn đối với các chợ như vậy và việc sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền, ngày càng tăng ở cấp độ quốc tế, nhưng ở một số vùng tại Trung Quốc và Đông Nam Á, việc buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp tục sau một thời gian ngắn tạm lắng.

Tháng trước, các nhà lãnh đạo WHO kêu gọi các nước đóng cửa chợ động vật tươi sống do lo ngại rủi ro.

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chợ “tươi sống” là “một nguồn thực phẩm quan trọng và sinh kế cho hàng triệu người trên khắp thế giới” nhưng ở nhiều nơi, các chợ này bị quản lý kém.

“Quan điểm của WHO là các chợ này chỉ được phép mở cửa trở lại với điều kiện tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt”, tổng giám đốc WHO nói thêm.

Nhưng các chính phủ “phải thực thi nghiêm các lệnh cấm bán và buôn bán động vật hoang dã để làm thức ăn”.

Bà Telecky kêu gọi WHO minh xác nhận xét của tiến sĩ Embarek và “cần nói lại rằng không nên cho phép bán động vật hoang dã tại các chợ này”.

Trung Quốc không mời WHO hoặc các chuyên gia nước ngoài khác tham gia vào cuộc điều tra về vụ bùng phát dịch này nhưng tiến sĩ Embarek cho biết nước này đủ chuyên môn cần thiết để tiến hành các nghiên cứu như vậy và WHO không thấy có vấn đề gì nếu Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các tổ chức khác.

Tháng trước, hơn 200 nhóm bảo tồn trên toàn thế giới đã ký một bức thư ngỏ gửi WHO kêu gọi tổ chức này làm mọi cách có thể để ngăn chặn các bệnh mới phát sinh từ buôn bán động vật hoang dã và trở thành đại dịch toàn cầu.

Thế Anh (Theo Independent)