WHO khuyến cáo các nước không sử dụng kết hợp các loại vaccine

BVR&MT – Nhà khoa học hàng đầu của WHO khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là một “xu hướng nguy hiểm”.

Không có bằng chứng liên quan tới việc sử dụng kết hợp các loại vaccine. (Nguồn: qz)

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 cho rằng các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 một lần nữa lại gia tăng, số ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên phổ biến và đã xuất hiện ở trên 104 nước, trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ số liều vaccine để bảo vệ nhân viên y tế của mình.

Ông nhận định khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng.

Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

Ông Tedros chỉ rõ các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao.

[Cơ chế COVAX có thêm nguồn cung mới vaccine ngừa COVID-19]

Theo ông, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.

Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

Bên cạnh đó, bà Swaminathan cũng khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là một “xu hướng nguy hiểm” khi có ít dữ liệu về tác động đối với sức khỏe.

Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Swaminathan nêu rõ: “Đây là một xu hướng khá nguy hiểm. Chúng ta hiện không có dữ liệu, không có bằng chứng liên quan tới việc sử dụng kết hợp (các loại vaccine). Nếu công dân bắt đầu được quyết định thời điểm và đối tượng nào sẽ tiêm vaccine liều thứ hai, thứ ba hay thứ tư, các nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.”

Liên quan đến vaccine, ngày 12/7, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Karina Gould và Bộ trưởng phụ trách dịch vụ công và mua sắm Anita Anand cho biết Chính phủ Canada sẽ tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho chương trình COVAX – một cơ chế được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm 13/6 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này bước đầu cam kết chia sẻ 13 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thông qua COVAX.

Canada quyết định tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine và việc phân phối số vaccine này dự kiến được triển khai trong những tuần tới.

Chính phủ Canada nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng khi được thực hiện trên quy mô toàn cầu là cơ hội tốt nhất để nhân loại chấm dứt đại dịch này.

Hiện nay, Chính phủ Canada đang phát động phong trào kêu gọi người dân Canada đóng góp cho chiến dịch gây quỹ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Canada (UNICEF Canada) và dự kiến có thể huy động được 10 triệu CAD.

Chiến dịch gây quỹ có tên gọi “Give A Vax”, kéo dài đến ngày 6/9 tới, được kỳ vọng sẽ huy động đủ tiền trang trải chi phí tiêm chủng cho khoảng 4 triệu người.

Trong phát biểu ngày 12/7, David Morley – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành UNICEF Canada mong muốn được hợp tác với Chính phủ Canada để đảm bảo rằng không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình tiếp cận với vaccine phòng COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân nước này hỗ trợ UNICEF Canada thực hiện mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho người dân trên toàn cầu.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Chính phủ Canada đã cam kết dành hơn 2,5 tỷ CAD (2,01 tỷ USD) để hỗ trợ toàn cầu ứng phó với COVID-19./.