BVR&MT – Hiện nay, tại một số địa bàn nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống, do điều kiện về kinh tế, công nghệ, dân trí còn hạn chế nên việc tiếp cận các quy định mới của Luật Cư trú còn gặp khó khăn. Lực lượng Công an đang tích cực tuyên truyền, tổ chức các chuyên đề hướng dẫn giúp người dân bắt kịp với sự thay đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi số.
Kể từ 1/7/2021, khi Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực, việc thay thế quản lý cư trú, thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin được coi là một bước tiến mới, mang lại nhiều lợi ích và tiện lợi cho người dân, giúp người dân giảm được các thủ tục hành chính, phù hợp xu thế chuyển đổi số và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, đối với các địa bàn miền núi, biên giới nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế việc thay đổi này hiện nay đang còn nhiều bất cập, cần rất nhiều thời gian để thay đổi thói quen, nếp sống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ghi nhận thực tế tại Công an xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, anh Sồng A Su, ở bản Suối Thín, đến Công an xã kê khai thông tin dân cư của gia đình để nhập vào dữ liệu dân cư. Anh Su cho biết: “Mình sống ở vùng sâu, vùng xa, nên không có điều kiện, lực lượng Công an nói mới biết chứ cũng không biết đến phần mềm đăng ký qua điện thoại; cũng chưa biết làm, điện thoại đang dùng cũng chỉ có chức năng nghe gọi, không có mạng internet để dùng”.
Nắm bắt được thực tế, Công an xã Chiềng Sơn đã hướng dẫn anh Su tận tình, chu đáo, giới thiệu về phần mềm kê khai, đăng ký cư trú qua hệ thống trực tuyến, giúp anh hiểu sơ bộ về phương thức khai báo thông tin dân cư mới.
Trung tá Đào Thị Hải Yến, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, Công an huyện Mộc Châu cũng triển khai thực hiện việc quản lý cư trú theo phương pháp mới. Người dân có thể đăng ký thường trú dễ dàng hơn, thời gian cũng rút ngắn xuống không quá 7 ngày; khuyến khích người dân đăng ký cư trú thông qua hệ thống trực tuyến để giảm bớt thời gian đi lại. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu, số lượng người dân đăng ký qua hệ thống trực tuyến rất ít. Hiện, bà con chủ yếu ở vùng biên, điều kiện khó khăn, chưa có nhận thức về Luật cư trú, đồng thời chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh để có thể truy cập vào Cổng điện tử để đăng ký.
“Người dân nếu có điện thoại thông minh chủ yếu sử dụng để xem báo, xem phim, chứ chưa biết truy cập vào Cổng điện tử để đăng ký. Để có thể hướng dẫn cho người dân thì đây cũng là một vấn đề khó khăn”, Trung tá Yến cho biết.
Để giúp đồng bào dân tộc thiếu số tiếp cận Luật Cư trú, Công an huyện Mộc Châu đã tổ chức xuống tận bản, đến từng nhà tuyên truyền, theo hình thức vừa vận động tập trung qua họp bản, họp dân, vừa vận động cá biệt…. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Công an huyện, Công an xã đã thực hiện được hàng trăm cuộc tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham gia…Tuy nhiên để thay đổi tư duy, nếp nghĩ, thói quen và đặc biệt là thay đổi hoàn cảnh để người dân có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại lại là cả một quá trình.
Đại úy Hoàng Quốc Quân, Phó Trưởng Công an xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ, về công tác quản lý cư trú, Công an xã Chiềng Sơn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nhưng do còn nhiều hạn chế về mặt nhận thức và điều kiện kinh tế còn khó khăn nên bà con không có nhiều điều kiện để mua điện thoại công nghệ cao. Do vậy bà con vẫn đến Công an xã để giải quyết theo cách làm cũ.
Trung tá Đinh Văn Hiển , Phó Trưởng Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới để triển khai sao có hiệu quả và đi vào cuộc sống, Công an huyện sẽ giao cho Công an các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền tới bà con, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ trong lĩnh vực quản lý hành chính để phục vụ nhân dân được tốt hơn.