Vườn Quốc gia Phước Bình: Mầm xanh nơi căn cứ địa xưa

BVR&MT – Đã từng nghe nói xã Phước Bình thay đổi nhiều lắm, từ khi Vườn Quốc gia Phước Bình mở rộng hoạt động bảo vệ sinh thái, động vật, thực vật, lập khu lai tạo bò tót – bò nhà…

Chúng tôi quyết định “mục sở thị“ cho rõ, hơn nữa, muốn tránh nóng, tháng 8 – 2019, đang mùa hạn xứ Phan Rang, cả vùng đồng bằng nắng nhức mắt, trên những cánh đồng khô hạn không thấy bóng dáng những bầy dê, cừu, vì chủ nhân đã “di cư“ từng đàn lên miền núi, nơi còn những vạt lá xanh…

Xuất phát từ Phan Rang chúng tôi vượt 70 cây số hướng núi để thăm Vườn Quốc gia Phước Bình. Xã miền núi Phước Bình đa số đồng bào thiểu số Raglai sinh sống, là căn cứ địa Bác Ái suốt 2 mùa kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Ở đây còn ghi dấu một chiến công đánh giặc bằng bẫy đá độc đáo…

Tham quan di tích Bẫy đá Pinăng Tắc.

Sử sách có ghi rằng: Vào tháng 8 năm 1961, Du kích ở căn cứ Bác Ái do ông Pinăng Tắc chỉ huy, đã tổ chức trận địa phục kích bằng bẫy đá tại triền núi Gia Trúc, (nay thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình). Địa hình là đoạn đường mòn một bên là vách núi, một bên là vực sông, Pinăng Tắc chỉ huy bố trí 17 chiếc bẫy treo những tảng đá trên vách núi, phía vực sông ông cho cắm chông. Đúng như dự đoán, một đội quân Sài Gòn đi càn theo đường núi, chờ đội hình quân địch lọt vào trận địa, Pinăng Tắc đã cho đồng loạt giật bẫy đá trên vách núi đổ xuống, số bị chết, số còn lại hoảng loạn bỏ chạy bị Du kích bắn tên, bị đạp phải chông gài sẵn. Kết thúc trận đánh, địch chết và bị thương gần 100 tên.

Với thắng lợi của trận đánh bằng bẫy đá, năm 1965, ông Pinăng Tắc, dân tộc Raglai, được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Du kích được bà con ví như những chàng dũng sĩ trong sử thi dân tộc Raglai. Năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng khu vực Bẫy đá là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

…Sau ba giờ chạy xe máy, chúng tôi đến nơi, 9 giờ sáng mà vẫn còn những giọt sương long lanh trên những chiếc lá rừng. Ấn tượng mạnh nhất đập vào mắt chúng tôi là dải rừng nguyên sinh xanh thẳm. Thật bất ngờ, cách đây hơn hai mươi năm, khi đến Phước Bình làm bia di tích, chúng tôi quen mắt nhìn triền núi nào cũng nhiều vạt đất đỏ loang lổ, khói đốt rừng nghi ngút; đó là những khoảnh rừng bị bà con dân tộc chặt cây, để khô rồi đốt làm rẫy… Tập quán du canh du cư của dân tộc miền núi là vậy. Nay toàn là rừng xanh tít tắp. Cuối ngày tiếp xúc chủ nhân Vườn Quốc gia mới biết, đó là kết quả của quá trình vận động đồng bào định cư, định canh, quản lý rừng nghiêm ngặt và ý thức đồng lòng bảo vệ rừng của dân làng ở đây…

Vào địa phận, trước mặt là những con đường bê tông nối khu Hành chính với các phân khu chức năng: khu bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn rừng nguyên sinh, khu phục hồi sinh thái, khu ươm giống và bảo tồn gen các loài thực vật quý, vượt cầu treo qua sông là khu bảo tồn và lai giống bò tót hoang dã…

Đến đâu cũng nghe chuyện hấp dẫn, nhưng ấn tượng nhất là câu chuyện bò tót rừng đi lạc. Nghe nhân viên kể rằng, vào tháng 9 năm 2008, một con bò tót đực nặng khoảng 1 tấn lạc về làng Bặc Rây trong xã Phước Bình, rất hung dữ, tấn công dân làng, phá nát nương rẫy, rượt đàn bò nhà chạy tứ tán. Nó chọn khu ven sông Cái làm chỗ ở mới, “cai quản“ các bò cái… Đã xuất hiện ý kiến diệt bò tót, trừ hại, nhưng dân làng đã đồng thuận để nó hòa nhập với đàn bò nhà. Chuyện thế hóa hay, đầu năm 2011, con bò cái của ông Nguyễn Văn Chuẩn sinh một chú bê lai với bò tót, ông đã giữ nuôi và bắt đầu lai giống. Đến năm 2014, bò tót đã “chung sống“ với nhiều bò cái của người dân và hơn 30 chú bê lai lần lượt ra đời.

Đường vào Trại Nghiên cứu lai tạo bò tót – bò nhà.

Đến tháng 3 năm 2015, người dân phát hiện bò tót “cha“ này đã chết do tuổi già sức yếu và cũng do “quá tải“ với đàn bò cái. Biết tin, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình mua xác của nó để làm tiêu bản trưng bày, bảo quản thí nghiệm; vận động dân làng mua lại các con bò lai, lập “Trại Nghiên cứu lai tạo bò tót – bò nhà“. Do cùng địa bàn nên Trại Nghiên cứu này do 3 Sở Khoa học – Công nghệ của 3 tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa cùng đầu tư xây dựng với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu ngày ấy không có sự nhạy cảm và đồng lòng của dân làng, của Ban Quản lý Vườn Quốc gia, thì nay làm gì có một cơ sở nghiên cứu, lai tạo hàng loạt thế hệ bò tót quý hiếm này…

Theo Ban Quản lý cho biết, năm 1993 lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Bình, nhiều lần thay đổi tên, năm 2006, thành lập Vườn Quốc gia Phước Bình với tổng diện tích 19.814 hec-ta hoạt động đến nay. Vườn có hệ sinh thái rừng phong phú, cùng với Vườn Quốc gia Bi Doup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng tạo thành một khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; trong đó bảo tồn sinh cảnh rừng tự nhiên tiêu biểu: rừng mưa ẩm nhiệt đới, rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới, rừng thưa cây họ dầu… với 1.321 loài thực vật và 327 loài động vật quý hiếm.

Tiêu bản bò tót trưng bày tại VQG Phước Bình.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Phước Bình mở rộng phát triển du lịch sinh thái tham quan rừng nguyên sinh, du khảo văn hóa dân tộc Raglai, Di tích bẫy đá Pinăng Tắc…

Ngày nay nói đến Vườn Quốc gia Phước Bình là nói đến màu xanh ngút ngàn ở núi rừng Ninh Thuận, nơi đó có những con người ngày đêm tận tâm giữ gìn và phát triển cây rừng quý hiếm, biến nó trở thành mái nhà lý tưởng của muông thú hoang dã, mà câu chuyện về chàng bò tót “si tình“ về với đàn bò nhà, để lại những thế hệ bò lai F1, F2… là những mầm xanh đang sinh sôi, nảy nở đến vô cùng…

Bài, ảnh: Đinh Hy