Vườn quốc gia Cúc Phương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

BVR&MT – Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (1962 – 2022), Vườn Quốc gia Cúc Phương đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngày 7/7/1962, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg về việc thành lập Khu rừng cấm Cúc Phương. Với văn bản quy phạm ấy, Cúc Phương trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, triển khai các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam như: bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm, các loài thú ăn thịt và tê tê, các loài rùa; sưu tập và bảo tồn hơn 800 loài thực vật; cứu hộ hơn 4600 cá thể động vật và tái thả về tự nhiên hơn 1200 cá thể; là nơi cung cấp nguồn động vật sau cứu hộ để tái thả vào tự nhiên cho nhiều vườn quốc gia trong cả nước.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, bảo tồn và khai thác phát triển du lịch; cứu hộ bảo vệ động vật hoang dã; giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Vườn quốc gia Cúc Phương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm của Vườn quốc gia Cúc Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương đã luôn chú trọng nhiệm vụ bảo vệ rừng bằng các giải pháp đồng bộ. Đây là môi trường nghiên cứu, cái nôi đào tạo cho nhiều thế hệ cán bộ khoa học, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Lâm nghiệp. Các sản phẩm khoa học và thành quả hợp tác quốc tế của Vườn Quốc gia có ý nghĩa cả về lý luận và định vị giá trị bảo tồn với quốc tế như: bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, bảo tồn các loài thú ăn thịt và tê tê, bảo tồn các loài rùa…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, thời gian tới, Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng để triển khai toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng; quan tâm, chú trọng hơn nữa việc ứng dụng các tiện ích của công nghệ và phần mềm ứng dụng trong tuần tra, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học; làm tốt các hạng mục được nhà nước đặt hàng dịch vụ công.

Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, triển khai các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam.

Vườn Quốc gia Cúc Phương cần tích cực, chủ động mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; coi trọng nghiên cứu, cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu; sớm có giải pháp tái thả tại Vườn một số loài quý hiếm đã thành công trong cứu hộ…

Cùng với đó, Vườn cần khẩn trương xây dựng Đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp nhằm huy động đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế tạo nguồn thu ổn định, bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc để viên chức, người lao động yên tâm công tác, cống hiến.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Vườn quốc gia Cúc Phương; đồng thời, biểu dương, đánh giá cao những thành tích đáng tự hào của đơn vị qua 60 năm thành lập, phát triển.

Hậu Thạch