BVR&MT – Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, được thành lập theo Quyết định số 92/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin thành VQG Chư Yang Sin với nhiệm vụ chính là bảo vệ các hệ sinh thái rừng, bảo tồn động, thực vật quý hiếm. VQG Chư Yang Sin là một trong những khu rừng nguyên sinh cổ xưa còn lại ở Việt Nam, được xem là hình mẫu chuẩn cho hệ sinh thái Tây Nguyên.
Vườn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 59.531 ha, trong đó chia thành nhiều khu, diện tích tập trung chủ yếu vào vùng đệm chiếm khoảng 183.479 ha. Với 9 kiểu rừng khác nhau, trong đó rừng thường xanh chiếm diện tích lớn nhất, trải rộng mênh mông. Với khoảng hơn 40 dãy núi, nổi bật là dãy Chư Yang Sin được xem là nóc nhà của Tây Nguyên, gồm nhiều đỉnh nối tiếp nhau từ 850m đến đỉnh cao nhất là 2.442m so với mực nước biển. VQG Chư Yang Sin còn có sự đan xen của nhiều sông suối và thác ghềnh, tất cả tạo nên môi trường sống thuận lợi cho hệ động, thực vật phát triển phong phú , đa dạng, có tính đặc hữu cao.
VQG Chư Yang Sin có hệ sinh thái hoang dã và đa dạng.
Theo thống kê, hệ thực vật có khoảng 951 loài, thuộc 140 họ và 540 chi, một số loài cần được bảo tồn như pơmu, bách xanh núi đất, đỉnh tùng, kim giao núi đất, hoàng đàn giả, thông hai lá dẹt, thông long gà, thông tre, lan kim tuyến… Đối với hệ động vật, hiện nay VQG Chư Yang Sin có 487 loài, trong đó có một số loài thú có mặt trong sách đỏ Việt Nam như: bò tót, vượn má hung, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, báo hoa mai, gấu ngự , báo gấm… cùng với đó các loài chim quý hiếm như: khướu đầu đen má xám, họa mi Núi Bà, quạ khách đuôi cờ, hồng hoàng, bói cá lớn.
VQG Chư Yang Sin có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng rừng đầu nguồn thuộc thượng nguồn hệ thống sông Srêpok và vùng rừng giáp với tỉnh Lâm Đồng. Với những số liệu điều tra ban đầu nêu trên, VQG Chư Yang Sin là nơi sẽ thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về sinh thái học, thực vật học cũng như nhiều du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, thăm quan, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk. Vùng đệm VQG Chư Yang Sin còn là nơi sinh sống của 25 nhóm cộng đồng dân tộc. Trong đó, 02 nhóm bản địa cư trú lâu đời là M’Nông và Ê đê. Một số nhóm từ các tỉnh phía Bắc di cư vào như Mường , Tày, Thái, Nùng…
Với diện tích quản lý của Vườn được giao quản lý trải dài trên diện tích rộng lớn như vậy, trong những năm qua lực lượng Kiểm lâm của VQG Chư Yang Sin luôn chú trọng, tập trung tổ chức tuần tra truy quét trực tiếp, nhằm ngăn chặn tình hình khai thác lâm sản và phá rừng làm nương rẫy, định cư lập nghiệp của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ phận quản lý bảo vệ rừng thường xuyên cập nhật và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, tuần tra truy quét rừng. Thực hiện công tác giám sát đa dạng sinh học kết hợp tuần tra rừng. Mặt khác, bổ sung bản đồ phân bố của các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm..
Thông qua nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân vùng đệm. Qua đó, đã giúp bà con trong thôn, buôn tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bởi vậy, giữa đơn vị và bà con nơi đây ngày càng tạo được sự tin tưởng, gắn bó và hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ rừng, chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đản, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là một trong những lực lượng góp phần giúp cho VQG Chư Yang Sin không bị xâm hại.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học VQG như: Bảo vệ và duy trì, phát triển các loài động vật hoang dã, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái hài hòa với bảo vệ môi trường. Lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong chiến lược khai thác du lịch, nâng cao chất lượng và tạo nét độc đáo các sản phẩm du lịch, lễ hội văn hóa.
Dù khó khăn chồng chất nhưng tất cả cán bộ, công nhân viên VQG Chư Yang Sin vẫn bảo vệ gần như nguyên vẹn diện tích rừng của đơn vị. Do địa hình đặc trưng của Vườn là đồi núi dựng đứng nên mọi việc tuần tra gặp không ít khó khăn, nhất là mùa mưa, nhưng vẫn tự hào là một trong những đơn vị giữ rừng tốt nhất cả nước. Từ khi thành lập vườn đến nay chưa xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Lực lượng kiểm lâm của Vườn thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các vụ xâm lấn rừng.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ rừng và Môi trường, đồng chí Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin chia sẻ: “Đơn vị luôn tập trung, đề ra các nhiệm vụ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng của cấp trên, đơn vị cũng đề ra các giải pháp thực hiện như, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tận gốc. Kiểm tra, nắm bắt thông tin, tình hình vi phạm trên từng địa bàn. Từ đó, có kế hoạch tuần tra, kiểm soát rừng hiệu quả, kể cả việc áp dụng công nghệ tuần tra, kiểm soát rừng như Bản đồ, GPS… Đẩy mạnh công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, với Hạt kiểm lâm, với Ban quản lý rừng giáp ranh với cơ quan khác. Tiếp tục, tìm kiếm , kêu gọi các tổ chức, các nguồn vốn để đầu tư vào vườn nhằm bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học tại VQG. Quan tâm xây dựng lực lượng kiểm lâm VQG Chư Yang Sin trong sạch, đạo đức nghề nghiệp cao, có chuyên môn vững vàng, đoàn kết, không ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Lê Hồng