“Vùng đất của mèo” ở Đông Nam Á

BVR&MT – Tháng 12/2019, báo hoa mai bị tuyên bố tuyệt chủng ở Lào. Loài này không còn ở Việt Nam và có khả năng bị tuyệt chủng ở Campuchia. Hổ cũng đã biến mất khỏi Campuchia, Việt Nam và Lào. Tình hình các loài họ mèo khác cũng không khá hơn khi trở thành nạn nhân của bẫy do những kẻ săn trộm đặt hoặc những dự án phát triển xâm lấn đất rừng. Kết cục của chúng thường là ở các chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thuộc vùng Tam giác vàng khét tiếng giáp ranh Lào, Thái Lan và Myanmar.

Ảnh chụp từ trên cao khu bảo tồn Huai Kha Khaeng ở Thái Lan. (Ảnh: Adam Oswell/WWF)

Tuy nhiên, trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công vẫn có một khu vực là nơi ẩn náu của các loài mèo. Cảnh quan có diện tích không kém gì Campuchia này nằm giữa Thái Lan và Myanmar và được gọi là Dawna Tenasserim. Cảnh quan đầy núi và rừng rậm không mấy nổi tiếng này là nơi sinh sống của 1/5 các loài họ mèo trên thế giới.

Một vài loài, chẳng hạn hổ và báo hoa mai rất nổi tiếng được đưa vào thơ ca, văn học, thậm chí các bộ phim Disney. Những loài khác không quá nổi tiếng, ví như báo lửa, mèo gấm, báo gấm, mèo ri và mèo rừng. Đó là 7 trong số 36 loài mèo được biết đến. Và rất có thể con số này là 8 nếu loài mèo cá ưa ẩn mình cũng sống trong cảnh quan này.

Trong báo cáo mới công bố “Dawna Tenasserim: Vùng đất của mèo”, tia sáng hy vọng còn le lói khi khu vực này vẫn còn 82% rừng – chỉ con số này thôi cũng rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh các vùng hoang dã rộng lớn ở Đông Nam Á đang trở thành quá khứ khi các dự án phát triển lấn vào cả những khu rừng không thể tiếp cận trước đây, đồng thời tạo điều kiện cho những kẻ săn trộm dễ dàng tiếp cận.

Các khu rừng nhiệt đới chất lượng cao và nguyên sơ, áp lực săn trộm thấp và quản lý tốt dẫn đến đa dạng sinh học rất cao. Những gì các loài mèo cần nhất là nhiều con mồi, nhiều không gian và được để yên. Nếu tất cả điều này xảy ra, chúng sẽ sinh sản.

Ảnh: WWF

Hổ là ví dụ rõ rệt. Dawna Tenasserim có 180-220 cá thể hổ và cuộc điều tra quần thể gần đây trong chỉ 8% sinh cảnh loài hổ ở Myanmar cho thấy có ít nhất 22 cá thể. Hình ảnh hổ con được bẫy ảnh chụp được hàng năm ở Thái Lan và cuối năm ngoái, video về một cá thể hổ đực nổi tiếng ăn thịt một cá thể bò tót khổng lồ mang lại hy vọng mới về khả năng phục hồi hổ ở nước này.

Cũng tại Thái Lan, một cá thể hổ đã được ghi nhận ở VQG Kui Bur lần đầu tiên sau 7 năm. Báo hoa mai có một thành trì ở phía bắc cảnh quan, còn mèo ri – từng bị cho là tuyệt chủng ở Dawna Tenasserim – xuất hiện trở lại trên máy ảnh vào năm 2017.

Đó đều là những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh các mối đe dọa như tình trạng chuyển đổi đất để trồng ngô, cao su, sắn, cọ dầu và trầu không đang gia tăng. Chuyển đổi đất và xây dựng đường sá thúc đẩy mối đe dọa săn trộm do tiếp cận các loài nguy cấp dễ dàng hơn. Các loại bẫy rẻ tiền, được làm tại nhà có thể giết chết hoặc làm bị thương bất kỳ sinh vật nào mắc phải.

Một mối đe dọa khác đang dần hiển hiện là con đường Dawei-Htee Khee được đề xuất sẽ kết nối một cảng nước sâu và đặc khu kinh tế ở Dawei (Myanmar) với Thái Lan và phần còn lại của Đông Nam Á. Nếu được xây dựng, con đường sẽ chia đôi các tuyến di cư bắc/nam của voi và hổ. Các cuộc điều tra động vật hoang dã gần đây dọc theo con đường được đề xuất nhấn mạnh thực tế là nhiều loài động vật hoang dã – kể cả những loài nguy cấp – sống sát với con đường.

Ảnh chụp từ trên cao đường Dawei-Htee Khee, sông Tanintharyi và các khu rừng bao quanh vùng Tanintharyi ở Myanmar. Việc xây dựng và mở rộng con đường ảnh hưởng đến hệ sinh thái. (Ảnh: Adam Oswell/WWF)

Vậy chúng ta nên làm gì? Nên bắt đầu bằng việc tăng tài trợ để bảo vệ các khu vực quan trọng cho quần thể mèo, cùng với các khảo sát và nghiên cứu mới về sự phong phú của con mồi và nhu cầu sinh cảnh. Chính phủ và các nhà phát triển cũng cần phối hợp với giới khoa học để lập bản đồ, xác định và bảo vệ các hành lang động vật hoang dã, cả trong mỗi quốc gia và liên quốc gia.

Thực thi chống săn trộm cần được tăng cường bằng việc bổ sung kiểm lâm và các nhóm cộng đồng bảo vệ động vật hoang dã. Huy động được các cộng đồng tham gia là chìa khóa để bảo vệ các loài mèo, ngăn chặn nạn săn trộm và giải quyết các mối đe dọa khác. Và có lẽ yếu tố quan trọng nhất, với rất nhiều dự án phát triển được lên kế hoạch cho Myanmar và Thái Lan trong những năm tới, cơ sở hạ tầng phải được quy hoạch và xây dựng gắn với thiên nhiên. Nếu một dự án tác động đến sinh cảnh của các loài như họ mèo, các nhà phát triển và chính phủ nên đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Bẫy ảnh thu được hình ảnh về hổ. (Ảnh: WWF Thái Lan)

Thái Lan và Myanmar thực sự may mắn nhưng phần lớn người dân không biết điều đó. Dawna Tenasserim đang trong cảnh khá trớ trêu vì thiên nhiên phong phú với những cá thể thuộc họ mèo là tiêu chí nổi bật. Nhưng sự tồn tại trong tương lai của chúng ở đây không hề được bảo đảm. Để chúng còn hiện diện ở đây và để nơi này duy trì được danh tiếng “Vùng đất của Mèo” thì nâng cao nhận thức, cam kết và đầu tư về tiền bạc, chuyên môn và nhân lực là không thể thiếu.

Nhật Anh (Theo Asia Times)