BVR&MT – Một đêm tháng 10 êm đềm trên vùng biển phía bắc Sri Lanka, một chiếc thuyền máy đang lao nhanh từ Ấn Độ đến Kalpitiya – một thị trấn nằm xa hơn ở bờ biển phía tây hòn đảo. Tại đó, lực lượng tuần tra Hải quân Sri Lanka đã bắt giữ lô hàng trái phép 1.196 kg hải sâm khô, trị giá hơn 16 triệu rupee (tương đương 80.000 USD). Cùng với lô hàng, nhà chức trách cũng bắt giữ hai nghi phạm buôn lậu hải sâm.
Việc bắt giữ các đối tượng khai thác hải sâm trái phép ngày càng trở nên phổ biến ở vùng biển giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Từ năm 2015 đến 2020, Hải quân Sri Lanka và Cảnh sát biển Ấn Độ đã bắt giữ 502 vụ vi phạm và thu giữ gần 65 tấn hải sâm, trị giá tổng cộng 2,84 triệu USD.
Nạn buôn lậu hải sâm ngày càng gia tăng
Theo phân tích dữ liệu các vụ bắt giữ buôn lậu hải sâm công bố trên các phương tiện truyền thông, năm 2019 và 2020 có sự gia tăng mạnh mẽ về số vụ vi phạm, khiến khu vực Vịnh Mannar/ Vịnh Palk giữa Ấn Độ và Sri Lanka trở thành điểm nóng toàn cầu về buôn lậu hải sâm.
Hải sâm thuộc ngành da gai (gồm sao biển và nhím biển), sống ở đáy cát của đại dương. Chúng thực hiện chức năng sinh thái quan trọng trong chu trình dinh dưỡng.
Hải sâm thường không được tiêu thụ ở Nam Á. Các đối tượng đánh bắt hải sâm chỉ để phục vụ cho nhu cầu từ Đông Á. Hải sâm còn được gọi là bêche-de-mer và được coi là một món ăn ngon, có thể ăn tươi hoặc ăn khô và được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Trước đây, xuất khẩu hải sâm ở khu vực này ở mức thấp, song do nhu cầu tăng cao, khai thác hải sâm trở thành một công việc kinh doanh béo bở. Hải sâm di chuyển chậm chạp nên rất dễ bị bắt. Điều này đã dẫn đến nạn khai thác hải sâm quá mức trên hầu hết các phạm vi sinh sống của chúng.
Vì lý do này, Ấn Độ đã cấm đánh bắt hải sâm vào năm 2001, trong khi Sri Lanka cố gắng hạn chế buôn bán thông qua hệ thống giấy phép được cấp cho hoạt động thu gom, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu.
Lỗ hổng pháp lý trong khai thác, buôn bán hải sâm
Với xu hướng thị trường hiện tại, sự khác biệt chính sách giữa Ấn Độ và Sri Lanka khiến các ngư dân Ấn Độ lợi dụng kẽ hở để buôn bán hải sâm khai thác trái phép nhưng lại được hợp pháp hóa ở Sri Lanka. Họ buôn lậu hải sâm từ Ấn Độ đến Sri Lanka để “rửa” hải sâm, lấy giấy tờ nguồn hợp pháp và được phép xuất khẩu.
Các ngư dân Sri Lanka cũng thường vi phạm quy định, khai thác nhiều hải sâm quá mức cho phép, vì sản lượng đánh bắt lớn hơn đồng nghĩa với lợi nhuận thu về nhiều hơn.
Bên cạnh đó còn có vấn đề về đánh bắt đáy, vốn bị cấm ở cả hai quốc gia. Chỉ khoảng 20% sản lượng hải sâm ở Ấn Độ là từ hoạt động đánh bắt có chủ đích của ngư dân, 80% còn lại là đánh bắt ngẫu nhiên, chủ yếu từ nghề lưới kéo đáy. Deepak Bilgi, nhà bảo tồn rừng ở Madurai, Ấn Độ cho hay.
Đường dây buôn lậu từ Ấn Độ
Satish Sundaram – cán bộ kiểm lâm Công viên Quốc gia Hải dương Vịnh Mannar, Ấn Độ – cho biết, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, ông đã bắt giữ hơn 100 đối tượng liên quan đến 70 vụ buôn lậu hải sâm.
Tại Sri Lanka, hồ sơ cho thấy Hải quân đã bắt giữ 16.576 kg hải sâm khô và 11.840 kg hải sâm tươi từ năm 2015 đến năm 2021. Indika de Silva, phát ngôn viên Hải quân Sri Lanka chia sẻ hầu hết hải sâm khô đều nhập lậu hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ, vi phạm các điều kiện khai thác cho phép.
Khu vực Vịnh Mannar và Vịnh Palk giàu đa dạng sinh học – tuyến đường biển chính giữa Ấn Độ và Sri Lanka đang là điểm nóng khai thác trộm hải sâm. Nằm ở phía tây nam tiểu lục địa Ấn Độ, quần đảo Lakshadweep có sự gia tăng đáng kể số vụ buôn lậu và bắt trộm hải sâm vào năm ngoái. Điều này cho thấy tội phạm liên quan đến hải sâm đã lan rộng đến chuỗi đảo xa xôi này.
Hải quân Sri Lanka đang gia tăng tần suất các cuộc tuần tra trên biển và tăng cường giám sát dọc các khu vực ven biển thường xuyên xảy ra các vụ bắt giữ.
Hầu hết ngư dân dọc vành đai ven biển Tây Bắc sống dưới mức nghèo khổ. Đại dịch COVID-19 càng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, buộc ngư dân phải tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế.
Nỗi khổ của ngư dân
Ngư dân liên tục bị những kẻ buôn lậu lợi dụng để khai thác các loài có giá trị cao quý hiếm. Anthony Rajah – thợ lặn ở đảo Mannar chia sẻ: “Vì hải sâm bán được giá nên ngư dân càng cố gắng tận dụng mọi cơ hội để khai thác được nhiều hơn”.
Trước đây, ngư dân chỉ săn bắt hải sâm gần bờ, giờ họ phải lặn sâu hơn để thu gom hải sâm. Việc này rất khó khăn nhưng vì thu nhập tốt nên họ không thể từ bỏ.
Hệ thống cấp phép khai thác hải sâm ở Sri Lanka đã không thể kiểm soát hiệu quả tình trạng khai thác hải sâm quá mức đang diễn ra. Trữ lượng hải sâm nước này cũng đang ngày càng cạn kiệt.
Năm 2008, một nghiên cứu đã đưa ra danh sách 21 loài có giá trị thương mại, khải thi để đánh bắt. Con số này đã giảm chỉ còn 9 loài trong năm 2015. Nghiên cứu này cũng cảnh báo khả năng mất nhiều loài có giá trị thương mại hơn và có khả năng chỉ còn 5 loài khải thi để đánh bắt.
Tiến sĩ Chamari Dissanayake, Đại học Sri Jayewardenepura, cho biết cơ sở khoa học để cấp giấy phép nên được thông qua dựa trên các loài và nguồn dự trữ sẵn có. Bà Dissanayake đã tiến hành nghiên cứu đánh giá trữ lượng hải sâm vào năm 2008, trong nhiệm kỳ công tác tại Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản Quốc gia (NARA).
Thùy Dung (Theo Mongabay)