Vua quạt đất Bắc: Mang thương hiệu made in Việt Nam vươn ra thế giới

BVR&MT – Với bản tính cần cù chịu khó và quyết tâm đến cùng để thực hiện được ước mơ thay đổi cuộc đời, ông Trần Văn Lê từ một người làm thuê với đủ mọi nghề rồi cuối cùng anh bén duyên với những chiếc quạt cũ để rồi trở thành “Vua quạt đất Bắc”.

Cái nghèo thôi thúc ý chí lập nghiệp

Trần Văn Lê sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, mảnh đất Thanh Chương, một vùng đất nghèo, cằn cỗi nơi nắng cháy gió Lào khắc nghiệt. Không được như các bạn, anh lớn lên trong một gia đình khó khăn, bởi vậy anh luôn quyết tâm thoát nghèo bằng cách học tập. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, Lê theo tiếng gọi của Tổ quốc và tích cực lên đường nhập ngũ. Và chính môi trường quân ngũ đã hun đúc cho anh ý chí sắt đá, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Dù được bố trí công việc ổn định tại đơn vị kinh tế thuộc Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), nhưng anh vẫn quyết định ra đi để cải thiện cuộc sống và tìm hướng khởi nghiệp. “Đất Nghệ An nghèo bởi vậy người quê tôi thường giỏi chịu khó, chịu khổ và giàu nghị lực, luôn nỗ lực để vươn lên. Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. Và để thoát cái nghèo, cái khổ, mà người Nghệ cũng chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học. Tôi được thừa hưởng những yếu tố của đất và người của quê hương mình”. Vua quạt đất Bắc chia sẻ.

Ông Trần Văn Lê, người được giới kinh doanh mệnh danh là ông Vua quạt đất Bắc.

Tự nhủ lòng muốn làm ông chủ thì trước hết phải đi làm thuê đã, Trần Văn Lê bỏ việc buôn bán chợ búa để xin làm thuê cho một ông chủ chuyên đánh các mặt hàng đồ cũ, máy móc hỏng, phế liệu. Trong những lần đi bốc hàng, Lê có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật. Thời đó, người ta đánh từng lô đồ cũ về rồi lại bán theo kiểu “tàu nhanh” để ăn chênh lệch. Không ít người giàu lên nhờ cách “hớt váng” như thế.

Nhưng Lê lại tư duy khác. Tại sao không sửa chữa lại một chút, làm tăng giá trị của nó để bán giá cao hơn. Ý nghĩ đó cứ thôi thúc mãi trong đầu. Đến một ngày, Lê quyết định xin nghỉ việc và tự mở một cửa hàng nhỏ thu mua máy bơm, quạt gió, mô-tơ cũ. “Một mình một ngựa”, một chủ một cửa hàng, cứ có lô máy nào về, cái ngon thì cất đi, cái cũ thì hì hụi tháo ra, thay pin, lau dầu, bảo dưỡng rồi mới bán. Và thường chỉ cần bán 3 cái, Lê đã thu lại số tiền bằng người ta phải bán cả lô hàng.

Vừa làm, Trần Văn Lê vừa mua thêm tài liệu về nghiên cứu để hiểu hơn cấu tạo, công suất, chức năng của từng cái ốc vít, mô-tơ. Lê học rất nhiều, nhưng không học tràn lan theo kiểu hàn lâm mà học những gì mình muốn biết, học những cái cần thiết cho công việc, cho con đường mình đang theo đuổi.

Giữa trăm đắng ngàn cay, vạn lần mất mát, ông Lê vẫn luôn trân trọng câu nói “Khách hàng là thượng đế”.

Theo phương thức ấy, ngày qua ngày, dần dà anh cũng tích cóp được ít vốn để mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình. Cũng nhờ tiếp cận được với kinh tế thị trường, Trần Văn Lê thấu hiểu hơn cụm từ “Khách hàng là thượng đế”, những từ ngữ mà trước đây anh vẫn nghĩ là sáo rỗng. Có những hợp đồng anh tự tay sửa chữa, bảo dưỡng và đạp xe chở đến tận nhà cho khách hàng không quản đêm hôm mưa gió. Cũng nhờ sự nhiệt tình đó mà mối quan hệ của anh càng mở rộng hơn, nhiều người tìm đến anh hơn, thậm chí các thầy giáo ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – khách hàng của Lê còn vui vẻ cho “ông chủ tiệm đồ cũ” mượn sách, tài liệu kỹ thuật về tham khảo.

Quyết định thành lập công ty TNHH Cơ điện và Thương mại Phương Linh năm 2000 với mục đích sản xuất các loại quạt công nghiệp cũng khiến bạn bè, vợ con của anh hoảng hốt vì sự liều lĩnh, thiếu tính khả thi của ý tưởng này. Bởi ở thời điểm đó, chỉ có Nhà nước mới sản xuất được những mặt hàng phức tạp như vậy.

Thế nhưng với ý chí và quyết tâm sắt đá, Trần Văn Lê đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Những chiếc quạt công nghiệp đầu tiên ra đã ra đời, sau những đêm thức trắng, những tháng ngày mày mò, tìm tòi trăn trở của anh. Và đó cũng là bằng chứng thép để anh khẳng định hướng đi của mình là đúng. Cũng từ đó, người ta quên đi cái mác “vua liều” để chỉ nhớ đến anh, một vị giám đốc có cái danh là “vua quạt đất Bắc”.

Trung thực là yếu tố đóng vai trò quan trong sự nghiệp

Theo ông chủ Lê chia sẻ trong câu chuyện khi công tác ở Binh đoàn 11, bấy giờ được đơn vị giao quản lý kho vật liệu xây dựng. Đến ngày lấy vợ, mà trong tay còn chưa có gì, thậm chí giày không có, quần áo cưới cũng không. Ngày mai lấy vợ mà đêm trước đó, ông còn trực đến 2h sáng. Nhiều anh em biết vậy đến nói nhỏ để tính toán tuồn xi măng, sắt thép ra ngoài bán. Hồi đó chỉ cần 2 bao xi măng là đủ tiền để có một đôi giày da xịn. Hoặc cuốn 1 tạ thép thì ông thừa sức có 2 bộ comple. Bấy giờ cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, anh em công nhân lại đa phần cùng quê, bản thân có thể thừa sức để những điều đó nhưng tôi kiên quyết từ chối.

Sự chính trực trong con người không cho phép ông làm điều đó. Người ta đã tin mình thì đừng vì chút lòng tham mà đánh đổ đi niềm tin đó. “Có người đùa bảo tôi “bônsêvich” quá, tôi không dám nhận điều đó, nhưng trung thực là con người của tôi”. Tính trung thực là điều làm ông được bạn bè, đối tác tin yêu và cũng là thứ khiến vua quạt đất Bắc tự tin khi bước ra đời.

“Có người vẫn nghĩ nghề buôn là nghề lừa gạt, chẳng làm gì mà vẫn tạo ra giá trị gia tăng. Nhưng đó là sai lầm, nghề buôn để tạo ra được giá trị phải trải qua trăm đắng ngàn cay, vạn lần mất mát, cũng phải lao động thực sự mới có thể tồn tại chứ nếu chỉ dựa vào lừa gạt thì không thể lừa người ta mãi. Tôi quan điểm rõ ràng như vậy nên kể cả khi kinh doanh tôi vẫn chấp nhận nói thật với khách hàng, đối tác của mình. Giá trị gia tăng trong sản phẩm mà chúng tôi làm nên phù hợp với sức lao động và trí tuệ chúng tôi bỏ ra. Trong xã hội của chúng tôi, có cả một giai đoạn ai ai cũng vươn lên để làm giàu, khi đó “con rồng, con hồ” cũng có mà những “con cáo” cũng nhiều. Nhưng rồi theo thời gian, sự lừa đảo, sự thiếu trung thực trong kinh doanh sẽ dần dần bị loại bỏ hoặc không thể tồn tại. Tôi tin vào điều đó”. Ông chia sẻ

Có lẽ chính vì vậy, thương hiệu quạt công nghiệp do Phương Linh sản xuất đều có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và đặc biệt là giá thành tiết kiệm hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến mua quạt của Trần Văn Lê ngày càng nhiều. Và các sản phẩm mang thương hiệu Phương Linh đã có mặt ở mọi công trình trọng điểm quốc gia, chinh phục nhiều khách hàng khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc… Sau 23 năm thành lập và phát triển CEO Trần Văn Lê đã đưa quạt công nghiệp và hệ thống lọc bụi công nghiệp bùng lên trở thành thương hiệu lớn của Việt Nam hiện nay nhà máy sản xuất của công ty được đầu tư hệ thống máy móc công nghệ tự động hóa hoàn toàn nhập từ các nước châu Âu đã cho ra đời sản phẩm đồng bộ có độ chính xác cao tiết kiệm nguyên vật liệu đồng thời đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều loại quạt công nghiệp công suất lớn áp suất lớn hoạt động trong môi trường khắc nghiệt nhất mà hoàn toàn made in Việt Nam

Thương hiệu quạt điện Phương Linh ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Dù là chủ doanh nghiệp, nhưng cuộc sống của ông vua quạt rất đời thường, sáng tập thể dục, ăn cơm vợ, trưa ăn cơm cặp lồng hoặc cơm hộp, tranh thủ ngủ một chút rồi chiều làm việc. Cuộc sống dân giã như một người lao động bình thường, không cần nhiều gì hơn. Còn điều mong muốn cũng như dự định phát triển trong tương lai, ông muốn thế hệ kế tiếp của mình và cộng đồng Phương Linh phải làm được những điều tốt đẹp hơn cho bản thân doanh nghiệp, người lao động và xã hội. Để phát triển bền vững, tôi nghĩ rằng đất nước cần phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất hơn nữa. Và chúng tôi sẽ tiếp tục góp phần thực hiện nhiệm vụ đó. Mong muốn có thể thành lập một quỹ để phục vụ phúc lợi xã hội. Trong đó, tập trung giải quyết 2 vấn đề là xóa đói giảm nghèo và đầu tư cho giáo dục. Hiện nay công ty đang trong quá trình thực hiện dự định này.

“Tôi cũng mong muốn truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm trong kinh doanh của tôi cho thế hệ trẻ. Tôi đã mở ra các lớp đào tạo nội bộ do chính mình đứng lớp cũng như phối hợp với các trường đại học để chia sẻ, hỗ trợ các bạn sinh viên khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm và định vị bản thân trong cuộc việc. Tôi mong rằng những nỗ lực đó sẽ góp phần giúp là đất nước ta có được một lực lượng doanh nhân đúng nghĩa của nó là đi bằng đôi chân thật của mình trong tương lai”. Ông chia sẻ

Minh Đường