Vụ xâm phạm VQG Tam Đảo – Bài 2: Ổn định đời sống cho người dân vùng đệm là giải pháp cốt lõi

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 2022

BVR&MT –  Như Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đề cập trong bài viết “Vụ xâm phạm VQG Tam Đảo – Bài 1: Khai thác do không rõ quy hoạch”, nguyên nhân dẫn tới thực trạng xâm phạm Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn xã Khôi Kỳ (huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên) hiện nay chủ yếu đến từ những bất cập do Quy hoạch Vườn quốc gia Tam Đảo trùm lên diện tích đất canh tác, đất sản xuất, nhà ở của người dân đã sinh sống và canh tác từ trước khi thành lập Vườn. Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tam Đảo cần một giải pháp mang tính căn cơ và đồng bộ chính là ổn định đời sống cho người dân vùng đệm. 

Bài liên quan:

Vụ xâm phạm VQG Tam Đảo – Bài 1: Khai thác do không rõ quy hoạch

Bấp bênh vì vướng vào quy hoạch

Trở lại thời điểm đúng 26 năm về trước, Khi Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 6/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án khả thi đầu tư xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo có hiệu lực, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ đã thực hiện đúng chủ trương giao đất cho Dự án. Tuy nhiên thời điểm này các hộ đều không được bồi thường để di dân. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong đời sống cũng như phát triển kinh tế.

Suối Bom Bom, xã Mỹ Yên bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo.

Để tìm hiểu rõ hơn về những bất cập trên, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp về với xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nơi tựa mình vào dãy núi Tam Đảo. Men dọc theo suối Bom Bom trong vắt, phóng viên đi sâu vào chân dãy Tam Đảo. Nơi đây, có khoảng 05 hộ dân thuộc xóm Kỳ Linh đang sinh sống. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ngay chân núi, ông Triệu Văn Tính người dân tộc Dao chia sẻ: Gia đình tôi ở đây từ năm 1989, đến năm 1996, tôi có nghe nói khu vực này đã được lấy để xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo. Nhưng toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn canh tác của gia đình đều ở đây, rời đi, tôi biết lấy gì để sống, thế nên cả gia đình tôi vẫn bám rừng cho đến nay. Hiện gia đình tôi có 20 sào chè, vài sào ruộng và một số diện tích rừng trồng.

Về phía chính quyền địa phương, trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Nhì, chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết, không riêng gia đình ông Tính, theo kết quả rà soát quá trình quản lý sử dụng đất trên địa bàn huyện Đại Từ, trong ranh giới thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn còn 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu cư trú. Trong số này nhiều hộ đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó là hàng trăm hộ ở ngoài nhưng có lán trại, đất trồng chè hoặc vườn cây đang canh tác nằm trong khu vực Vườn Quốc gia.

Mặc dù đây là diện tích thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Tam Đảo, nhưng người dân xóm xóm Kỳ Linh (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ) vẫn đang sinh sống và canh tác vì không được bồi thường, di dân đi nơi khác.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, sử dụng đất rừng thì được biết: Toàn bộ diện tích rừng này trước đây do huyện Đại Từ quản lý, nhưng sau khi Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo, huyện đã bàn giao trên 12.000ha theo quy hoạch cho Vườn quản lý. Trong đó, có nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống từ trước đó mà không được bồi thường, di dân đi nơi khác, nên dẫn đến tình trạng người dân phải sống “nhờ” đất Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Cũng bởi mang tiếng sống “nhờ”, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mà trước có thế nào làm thế ấy nhằm duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, không chỉ thế các hộ này luôn phải sống trong nơm nớp nỗi lo mất đất.

Ổn định đời sống cho người dân là cốt lõi

Xuất phát từ tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có đề nghị điều chỉnh ranh giới cho phù hợp với thực tế nhằm ổn định đời sống của người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời phát huy hiệu quả các diện tích rừng.

Theo ông Vũ Thế Cường – Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Đại Từ, phạm vi điều chỉnh được các xã căn cứ vào tình hình thực tế sử dụng đất của người dân với tổng diện tích trên 1.800ha. Để quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đề nghị điều chỉnh, tỉnh cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích rừng và đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trên địa bàn 10 xã của huyện Đại Từ. Từ đó xác định vị trí, ranh giới khu rừng, loại rừng, hiện trạng sử dụng đất rừng nhằm đảm bảo các diện tích đề nghị điều chỉnh là đất trống, đồi núi trọc hoặc diện tích rừng trồng trước đây không thành rừng, diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, các diện tích người dân đã sử dụng trước năm 1997.

Người dân đều mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh quy hoạch rừng cho phù hợp với thực tế, đáp ứng nguyện vọng và tạo điều kiện cho người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo có đất để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, đảm bảo ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho người dân sống gần rừng, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tam Đảo. (Ảnh: Hạt Kiểm lâm Đại Từ cung cấp)

Tuy nhiên, để việc điều chỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch, cần có sự phối hợp của Vườn Quốc gia Tam Đảo trong việc cung cấp số liệu, tài liệu, bản đồ, cử cán bộ phối hợp với UBND huyện Đại Từ để dẫn đạc, chỉ mốc giới, ranh giới trước và sau khi điều chỉnh. Có như vậy mới có thể giải quyết dứt điểm những tồn tại về rừng và đất rừng, đáp ứng nguyện vọng và tạo điều kiện cho người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo có đất để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, đảm bảo ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho người dân sống gần rừng, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đồng thời, để tỉnh quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp có hiệu quả, góp phần đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Về phía VQG Tam Đảo, trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VQG Tam Đảo cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, VQG Tam Đảo đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên nói riêng cũng như các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, nơi có diện tích quản lý của Vườn cần quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ diện tích đất rừng còn lại cho vườn; hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển diện tích 197 ha đất rừng đặc dụng về tỉnh quản lý theo Quyết định số 1520/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT về phê duyệt quy hoạch, bảo tồn và phát triển bền vững VQG Tam Đảo giai đoạn 2020 – 2030″.

Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trên địa giới hành chính của 03 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang với diện tích 34.995 ha.

Báo cáo của Vườn quốc gia Tam Đảo kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm giải quyết tình trạng bất cập về quy hoạch (Quy hoạch Vườn quốc gia Tam Đảo trùm lên diện tích đất canh tác, đất sản xuất, nhà ở của người dân đã sinh sống và canh tác từ trước khi thành lập Vườn). Đó là, sớm điều chỉnh diện tích 1.820ha về cho tỉnh Thái Nguyên quản lý theo Văn bản số 3357/UBTP13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII gửi Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình số 2597/TTr-BNN-TCLN ngày 17/4/2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Điều chỉnh ranh giới diện tích Vườn quốc gia Tam Đảo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Hậu Thạch