Vụ xâm phạm VQG Tam Đảo – Bài 1: Khai thác do không rõ quy hoạch

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 2022

BVR&MT – Lời tòa soạn: Rừng là hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất trên cạn, là nơi cư trú của hơn 80% các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe này, nạn phá rừng toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế về Rừng 2022: “Rừng và sản xuất, tiêu dùng bền vững”, Ban biên tập Bảo vệ Rừng và Môi trường xin gửi tới quý bạn đọc loạt bài về thực trạng xâm phạm Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhằm chỉ ra những nguyên nhân cũng như tìm giải pháp hướng tới việc bảo vệ, quản lý, phát triển rừng bền vững.

Hiện nay tại xóm Cuốn Cờ (xã Khôi Kỳ, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tồn tại nhiều khu vực, ranh giới giữa vùng ngoài, vùng đệm, vùng bảo vệ rừng đặc dụng chưa rõ ràng, chưa được cắm mốc cụ thể để phân định; quy hoạch bất cập, áp lực phát triển kinh tế, xã hội từ người dân ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát triển, thậm chí xâm hại VQG Tam Đảo.

Những ngày vừa qua, theo thông tin phản ánh của một số hộ dân tại xóm Cuốn Cờ xuất hiện trường hợp một hộ gia đình địa phương tự ý mở đường lâm nghiệp từ bên ngoài vào khu vực quy hoạch rừng VQG Tam Đảo, tổ chức khai thác gỗ, đưa ô tô tải vào vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Ðường lâm nghiệp được mở đến đâu là rừng bị khai thác, gỗ nằm ngổn ngang, các loại cây nhỏ đổ rạp đến đó.

Để làm rõ thông tin, ngày 18/03/2022, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ về vấn đề này. Trao đổi với Phóng viên, ông Vũ Thế Cường – Hạt trưởng Kiểm lâm huyện cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã phối hợp với UBND xã Khôi Kỳ, Hạt Kiểm lâm VQG Tam Đảo và Trưởng xóm Cuốn Cờ tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Theo đó, diện tích bị khai thác là 0,25ha, trước đây là bãi chè cũ của gia đình ông Đỗ Bằng Giang, xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ đã canh tác từ lâu (trước khi thành lập Vườn). Quá trình canh tác cây chè không hiệu quả, ông Giang đã trồng keo vào diện tích trên, nay cây keo đến tuổi nên gia đình đã khai thác (chu kỳ 2). Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường (khoảnh 5, tiểu khu 150, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo QĐ số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên) thuộc địa phận xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Qua kiểm tra cho thấy có việc khai thác keo trồng trong bãi chè, diện tích khoảng 0,25 ha; lâm sản đã vận chuyển gần hết. Hiện trường còn lại là củi và gốc chặt. Số cây nói trên là do ông Đỗ Bằng Giang tự trồng phân tán trong bãi chè của gia đình (số sổ 27 cấp ngày 02/01/1991 với diện tích 40,9 ha). Tuy nhiên, năm 1997, khu vực này đã được quy hoạch vào VQG Tam Đảo, trong đó có diện tích 0,25 ha chè nêu trên mà gia đình ông Giang vẫn đang canh tác từ đó đến nay và có trồng một số cây keo phân tán.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ cho biết mặc dù hộ gia đình ông Giang có san gạt, sửa một đoạn đường dọc theo khe suối dài khoảng 30m nhưng không gây ảnh hưởng đến cây rừng.

Theo Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ, diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao cho gia đình ông đã quy hoạch và VQG Tam Đảo nhưng gia đình chưa nhận được cơ chế hỗ trợ nào và ông vẫn canh tác trên phần diện tích trồng chè. Mục đích ông khai thác số cây keo tự trồng trên để trả đất cho VQG Tam Đảo quản lý theo quy định.

“Tại khu vực này gia đình ông Giang có san gạt, sửa một đoạn đường dọc theo khe suối dài khoảng 30m, không gây ảnh hưởng đến cây rừng. Đoàn kiểm tra khẳng định không có diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại. Vụ việc đã được Trạm kiểm lâm Mỹ Yên thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Tam Đảo phát hiện, lập biên bản đình chỉ ngày 13/3/2022. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vụ việc, yêu cầu ông Đỗ Bằng Giang ngừng ngay việc khai thác và các hoạt động khác tại khu vực trên”, ông Vũ Thế Cường khẳng định.

Bất cập trong quy hoạch

Theo quy hoạch, diện tích rừng tự nhiên thuộc VQG Tam Đảo quản lý trên địa bàn huyện Ðại Từ là hơn 11.400 ha. Tuy nhiên, quy hoạch này có nhiều bất cập ở chỗ, trong diện tích đã quy hoạch cho VQG Tam Đảo, người dân không được xây mới, sửa chữa nhà ở, khai thác lâm sản nhưng Nhà nước chưa có chính sách đền bù, hỗ trợ người dân ra khỏi vùng đã quy hoạch.

Trụ sở xã Khôi Kỳ, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Ngô Kim Thịnh – Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ chia sẻ: “Mặc dù người dân địa phương tôi đã sinh sống từ nhiều năm, thậm chí sinh sống từ trước khi xác lập VQG Tam Đảo năm 1997, nhưng quy hoạch VQG Tam Đảo sau này trùm lên đất sản xuất, nhà ở, công trình của người dân địa phương”.

Còn theo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ, ngày 13/05/2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII có Văn bản số 3357/UBTP13, kiến nghị điều chỉnh ranh giới, chuyển diện tích 1.820 ha đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Tam Ðảo về cho tỉnh Thái Nguyên quản lý, cấp cho người dân đang canh tác, có nhà ở, công trình sử dụng. Qua rà soát nhiều lần, quy hoạch VQG Tam Đảo trùm lên đất canh tác, đất rừng sản xuất, nhà ở của tổng cộng 2.079 hộ dân và 131 công trình công cộng với tổng diện tích 1.820 ha thuộc 10 xã trên địa bàn huyện Ðại Từ.

Ông Ma Văn Thắng, một hộ dân cũng nằm trong quy hoạch VQG Tam Đảo ở xã Khôi Kỳ bộc bạch: “Khi đã quy hoạch VQG Tam Đảo, người dân không được xây mới, sửa chữa nhà ở, rừng do mình trồng cũng không được khai thác. Trong khi đó, diện tích rừng người dân đã trồng, chuyển nhà tái định cư ra khỏi quy hoạch VQG Tam Đảo thì Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nên đời sống người dân rất khó khăn, lâm vào tình trạng đi cũng dở, ở không xong”.

Người dân đều mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh quy hoạch rừng cho phù hợp với thực tế.

Cũng như ông Thắng, người dân, chính quyền 10 xã trên địa bàn huyện Ðại Từ hiện nay đều mong muốn cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh quy hoạch nêu trên cho phù hợp với thực tế. Sau khi được điều chỉnh, diện tích đất sẽ được làm các thủ tục giao cho người dân quản lý, sử dụng, phát triển kinh tế; đồng thời VQG Tam Đảo sẽ phân giới, cắm mốc rõ ràng, quản lý rừng bền vững, tránh tình trạng ranh giới mập mờ, dẫn đến rừng tự nhiên bị xâm phạm như hiện nay.

Bảo vệ Rừng và Môi trường tiếp tục thông tin.
Hậu Thạch