BVR&MT – Liên quan đến vụ việc hỗ trợ bò bị bệnh long móng lở mồm cho người nghèo tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), mới đây đã xuất hiện thêm tình tiết cho thấy thời gian tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn bò chưa đủ nhưng trạm giống chăn nuôi Bắc Nghệ An vẫn bàn giao cho người dân.
Theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc dự án 30A, các hộ nghèo một số xã ở huyện miền núi Hương Khê sẽ được cấp bò hỗ trợ, phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất.
Theo đó, 30 con bò cái lai Zêbu sẽ được cấp cho 30 hộ dân thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, cấp bò buổi sáng, thì ngay trong buổi trưa đã phát hiện bò bị bệnh, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở mồm, long móng, xuất hiện vết xước ở chân.
Người dân hoang mang
Anh Nguyễn Hữu Quyền (xã Gia Phố, huyện Hương Khê), hộ gia đình được cấp bò chia sẻ: “Sau khi được nhận bò hỗ trợ, gia đình tôi phát hiện bò bị lở loét ở chân. Lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc do chằng chéo, vận chuyển bò trên xe đường dài nên nó bị xây xước. Nhưng không ngờ, khì bò bỏ ăn, gọi cơ quan chuyên môn đến kiểm tra mới phát hiện bò bị dịch bệnh”.
Bà Phan Thị Lê, xã Phú Phong (Hương Khê), người được hỗ trợ bò vô cùng bức xúc: “Ngày 25/10, gia đình nhận được một con bò hỗ trợ theo đề án 30A, vui mừng vì từ nay có bò để sản xuất, sinh đẻ. Ai ngờ, sáng nhận bò, trưa phát hiện bò bị bệnh. Bò chỉ nằm chứ không đứng được, bỏ ăn, miệng có hiện tượng lở loét, chảy dãi. Đến khi gọi bác sĩ thú y, tôi mới ngớ người, hóa ra bò được hỗ trợ để phát triển kinh tế lại là bò bệnh”.
“5 ngày rồi bò chỉ nằm không ăn, gầy đi thấy rõ. Hiện cơ quan chuyên môn đã về kiểm tra, họ cho hóa chất để xử lý. Đến nay, bò đã đỡ hơn và đứng dậy ăn uống nhẹ”, bà Lê cho biết thêm.
Cùng nỗi lo lắng, anh Nguyễn Yên Phúc (trú tại xóm Hòa Phố, xã Gia Phố) cũng vô cùng hoang mang: “Khi thấy bò có triệu chứng, Tôi rất lo lắng, nghĩ chắc bò lạ nước, lạ cái nên mới không ăn. Con tôi mới bón cỏ, đút cho bò nhưng bò vẫn không chịu ăn. Gọi bác sĩ thú y đến, họ chẩn đoán bò mắc bệnh, khả năng là lở mồm, long móng”.
Theo thông tin từ UBND huyện Hương Khê, ngày 30/6, huyện ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a năm 2016. Theo quyết định này, trên địa bàn Hương Khê có 6 xã được hỗ trợ giống bò cái lai Zêbu là: Phúc Trạch, Hương Trạch, Phú Phong, Hương Xuân, Gia Phố, Hương Trà. Mỗi xã có 10 hộ gia đình khó khăn được nhận bò của dự án, mỗi con bò trị giá 10 triệu đồng. Ngày 25/10, người dân 3 xã được nhận bò là Phú Phong, Hương Xuân và Gia Phố với tổng số 30 con. Được biết số bò trên do hai cán bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê đưa về và phối hợp với các xã bàn giao cho dân. |
Không chỉ có các hộ dân trên, mà cả 30 con bò giống hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn huyện Hương Khê đều bị bệnh. Sau khi xảy ra sự việc này, một số người dân đã bức xúc cho rằng bò của dự án trao cho người dân nghèo lại trao bò bệnh.
Cấp dưới “vượt quyền” tự quyết !?
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khẳng định, sự việc xảy ra là do cấp dưới vượt quyền tự quyết định mua bò ngoại tỉnh mà không báo cáo với giám đốc trung tâm.
Theo ông Long, trong quá trình triển khai dự án, ông này đã cảnh báo trước cuộc giao ban toàn UBND huyện nếu mua con giống thì nên mua tại địa bàn, nếu mua ở ngoại tỉnh thì luôn luôn chú ý đến công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, khi thực hiện, chủ tịch UBND các xã được nhận bò đã cùng với hai cán bộ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện là ông Trần Hoài Sơn (Phó giám đốc trung tâm) và ông Đặng Hữu Thức (kế toán trung tâm) tự ý quyết định mọi việc. Bản thân ông Long là giám đốc phụ trách lĩnh vực này thì không được cấp dưới báo cáo, bàn bạc.
Về việc này, ông Trần Hoài Sơn, Phó Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê thừa nhận chỉ nói cán bộ kế toán báo cáo với giám đốc trung tâm khi bò đã được trao cho người dân.
Theo ông Sơn, khi làm hợp đồng với Trại giống chăn nuôi Bắc Nghệ An để cung ứng giống, ông đã ra tận nơi để kiểm tra và thấy rằng hồ sơ kiểm dịch đầy đủ. Ông Sơn sau đó cũng mời chủ tịch 3 xã trên ra chọn con giống.
Về việc này, trong quá trình phóng viên trao đổi, ông Nguyễn Minh Long, giám đốc trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê khẳng định, ông không phải là người chỉ đạo trực tiếp việc nhập giống bò hỗ trợ cho người nghèo trong huyện.
“Chúng tôi đang tích cực điều tra để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có sai phạm trong việc này. Việc cấp bò giống này cho người dân ở huyện là do phó giám đốc trung tâm quyết định”, ông Long nói.
Tuy nhiên, trong hồ sơ của nơi cung ứng giống, đáng lẽ bò được tiêm phòng xong phải sau 21 ngày mới miễn nhiễm bệnh, lúc đó mới được xuất chuồng, trong khi ở đây, chưa qua ngày đó nơi cung ứng đã xuất.
Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, bệnh lở mồm long móng lây lan rất nhanh, nếu những con bò nuôi trước đó của dân mà nhốt chung chuồng với bò hỗ trợ chắc chắn chỉ trong 1 ngày là sẽ bị bệnh. Tuy nhiên, ngay sau khi người dân báo về việc này, bên thú ý đã tiêm phòng, rắc vôi đầy đủ. Bởi vậy, sai sót này đầu tiên là do đơn vị bán giống, trách nhiệm thứ 2 là do trung tâm ứng dụng không kiểm tra kỹ lại hồ sơ cũng như tình hình thực tế về sức khỏe của những con bò đó.
“Hiện những con bò này đã đỡ, chân khô, mồm đã ăn trở lại gần như bình thường. Đây là tai nạn nghề nghiệp do nóng vội giữa bên giao và nhận”, vị trưởng phòng nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết thêm
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, hiện tại huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung các biện pháp điều trị bệnh, phòng chống dịch bệnh.
“Bây giờ phải tập trung dập dịch, phòng chống dịch bệnh, sau đó sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ theo quy trình để có hướng giải quyết, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý của những cá nhân, tập thể liên quan”, ông Huấn nói.
Đình Nguyên