Vũ Đông (Thái Bình): Hàng vạn khối đất “không cánh mà bay”?

BVR&MT – Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường có mặt tại thôn Nguyễn Du, xã Vũ Đông thuộc Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, tận mắt chứng kiến hàng nghìn m3 đất đã “không cánh mà bay”. Hiện trạng còn lại lúc này là những hố sâu, hàng nghìn m2 bề mặt đất bãi bồi bị xâm phạm. Nhiều đoạn đang bị múc nham nhở, có chiều sâu khoảng 5-6m, bên trên bờ là 2 máy múc công suất lớn đang chờ bơm cạn nước sẽ tiếp tục hoạt động. Ước tính lượng đất bị múc trái phép lên đến hàng vạn m3.

Đây là đoạn bãi bồi, khu vực bãi Bắc Hà, thuộc địa phận thôn Nguyễn Du, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, thuộc hành lang thoát lũ của sông Trà Lý, đảm bảo an toàn cho đoạn đê đi qua xã Vũ Đông, nhưng đã bị xâm phạm nghiêm trọng, không những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho con đê, mà còn đang có  nhiều dấu hiệu khác về hoạt động mua bán tài nguyên trái phép, xâm hại công trình đê điều, thủy lợi gây nguy cơ mất an toàn cho người dân sinh sống quanh khu vực bờ sông này.

Trao đổi với phóng viên www.baovemoitruong.org.vn, một người dân sống ngay gần khu đất này bức xúc cho rằng: “Nếu những người đang khai thác đất chỉ lấy đi số lượng ít đã đành, nhưng thực tế thì được tổ chức như một công trường hoành tráng để khai thác đất trái phép mang đi bán thì quả thật không coi chính quyền và người dân ra gì. Họ làm cầu cảng, xúc đất lên xe ben chạy ra tàu mang đi tiêu thụ”.

Người dân này cũng cho biết đã từng lên UBND xã Vũ Đông, gặp trực tiếp ông phó chủ tịch xã này để đặt câu hỏi tại sao lại bán tài nguyên của xã và được vị này cho biết: xã đã xử phạt hành chính…

Để làm rõ những bức xúc, phản ánh của người dân, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Huyền – Chủ tịch UBND xã Vũ Đông. Ông này cho biết: ngày 05/8/2021, sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã có xuống địa điểm đào đất của nhà ông Nguyễn Văn Tiện kiểm tra và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 09/BB-VPHC với nội dung: “vi phạm luật đê điều tại khoản 10, điều 7, điểm C, khoản 4, điều 20, nghị định 104/NĐ-CP” và xử phạt 3.000.000đ!.

Ngày 03/10/2021, phóng viên tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Hiếu, cán bộ Công chức địa chính xã Vũ Đông, và được ông này thông tin: diện tích đất của khu vực nhà ông Nguyễn Xuân Tiện khoảng 20.000m2, trước kia bố ông Tiện khơi đất, đắp ụ để trồng chuối, phía dưới hình thành ao nhỏ, khu vực sâu nhất khoảng gần 2m để thả cá. Tài nguyên đất vẫn nằm trong khuôn viên của hợp đồng thuê, không bị vận chuyển đi nơi khác.

Khi được hỏi về việc xã Vũ Đông đã lập báo cáo gửi UBTP Thái Bình, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thái Bình cũng như Chi cục Phòng chống Lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh Thái Bình về vi phạm này hay chưa, thì vị cán bộ địa chính này cho hay: về phía xã đã lập 2 biên bản vi phạm hành chính đối với hộ gia đình ông Tiện về lĩnh vực đê điều (trong cùng một tháng), còn về việc tại sao không lập báo cáo gửi các cơ quan chức năng có liên quan thì ông Hiếu cũng thật thà cho hay hay: tâm lý của chúng tôi để xử lý ở góc độ địa phương, vụ việc sẽ nhẹ nhàng, nếu báo cáo thành phố khi đó các cơ quan vào cuộc, bản thân ông Huyền (Chủ tịch xã – PV) không thể tránh được trách nhiệm về việc này. Đồng thời thừa nhận: nhược điểm của cán bộ địa phương là cả nể, chưa cứng tay, chưa dứt điểm và nới lỏng công tác quản lý?.

Trong khi đó, thực tế ghi nhận của ống kính phóng viên cho thấy, các phản ánh của người dân về việc vi phạm trầm trọng là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, tại thời điểm 17 giờ 10 phút ngày 03/10/2021, người dân tiếp tục phản ánh rằng: Phía hộ gia đình ông Tiện tiếp tục cho máy múc cỡ lớn vào đào bới, vận chuyển đất đi đâu đó từ ngày 30/9 đến ngày 01/10. Vào thời điểm 17 giờ 50 phút cùng ngày, phóng viên có mặt và ghi nhận: phía ngoài sông lúc này đang xuất hiện một chiếc tàu và tháo dỡ cầu cảng, mang đi nơi khác. Tuy nhiên phía bên trong, 2 chiếc máy múc công suất lớn thì vẫn ngang nhiên múc đất lên xe ben để vận và vận chuyển qua lối đê để mang đi nơi khác. Ngay lập tức, phóng viên có liên lạc và báo cáo sự việc qua điện thoại cho ông chủ tịch Nguyễn Thế Huyền nhằm thông báo vụ việc, ông này nói sẽ cho người ra kiểm tra.

Từ phản ánh của người dân và những ghi nhận thực tế có thể thấy, những vi phạm này là có và đang diễn ra nghiêm trọng. Các sai phạm này có thể đã vượt thẩm quyền xử lý của xã, nhưng trên góc độ quản lý địa bàn, lẽ ra chính quyền xã Vũ Đông phải chủ động báo cáo lên UBND thành phố Thái Bình và các cơ quan chức năng có liên quan để tìm phương án xử lý. Tuy nhiên thay vì báo cáo, chính quyền xã này dường như đang có dấu hiệu bao che, dung túng cho những sai phạm nghiêm trọng?.

Theo ý kiến của dư luận tại địa phương, số tài nguyên đất do ông Nguyễn Xuân Tiện đã khai thác trái phép đem bán đi được tính theo số lượng hàng vạn khối, nếu tính với giá thị trường hiện nay là khoảng 70.000đ/1m3 có thể thấy ông này đã có thể hưởng được một khoản lợi nhuận không nhỏ từ những vi phạm của mình.

Căn cứ vào thực tế ghi nhận, qua các thông tin và trả lời báo chí từ đại diện UBND xã Vũ Đông thì có thể phần nào đã xác định được hoạt động khai thác đất nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật. Xin được nói thêm rằng, việc khai thác đất mang đi bán nêu trên của ông Nguyễn Văn Tiện có thể có các dấu hiệu về hành vi  mua bán trái phép tài nguyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn cho hệ thống đê điều và người dân, thất thoát tài nguyên của nhà nước, đồng thời cũng có dấu hiệu hình sự. Và nếu như các giả thiết về lập luận này là có cơ sở, thì dư luận đặt ra câu hỏi rằng ai đã đứng sau ông Tiện và các vi phạm này?

Bởi vì, để các vi phạm có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài như thế, các hoạt động khai thác đất này không thể dễ dàng “qua mặt” được chính quyền địa phương. Vậy ai là người đứng sau để ông Tiện có thể “vô tư sai phạm”? Ai là “tấm khiên” giúp sự quản lý của chính quyền xã Vũ Đông dừng lại ở ngưỡng “phạt cho có lệ”? Ai là thế lực có thể giúp cho hàng vạn khối đất được “bình yên” khai thác, mặc kệ các quy định của pháp luật?

Sai phạm thì có thể và nhất định sẽ phải dừng lại khi các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình làm rõ. Nhưng khi nào thì sai phạm sẽ được làm rõ, và tài nguyên đất của nhà nước cũng như các nguồn lực đã bị khai thác sai quy định của pháp luật này ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Và đứng đằng sau hoạt động khai thác này chỉ có hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Tiện hay còn những “bàn tay kín” nào nữa?

Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ xung năm 2017 quy định:

  • Người nào vi phạm về quy định nghiên cứu, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kih tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
  • Thu lợi bất chính từ nghiên cứu , thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

……….

đ) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một nội dung về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Xuân Kiên – Minh Lý