Vụ Bản (Nam Định): Vụ trại lợn Hồng Thái, đừng để mùi ô nhiễm “nhờn” với quy định pháp luật

BVR&MT – Người dân chịu ô nhiễm trong nhiều năm, chính quyền xã huyện tích cực vào cuộc, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng quyết liệt kiểm tra xử lý. Thế nhưng, chủ trại lợn dường như vẫn tìm cách chây ì muốn “nhờn” trước các quy định của pháp luật. Có lẽ đã đến lúc chính quyền tỉnh Nam Định cần kiên quyết hơn, không để ô nhiễm tiếp tục kéo dài.

Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường (https://baovemoitruong.org.vn/) đã thông tin, Trại lợn thuộc Dự án lợn sạch Hồng Thái thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) bị người dân phản ánh là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân đã nhiều năm.

▶️ Bài 1: Cần chấm dứt hoạt động của Trại lợn Hồng Thái nếu gây ô nhiễm môi trường

▶️ Bài 2: Những tích cực Bảo vệ môi trường của huyện Vụ Bản sau kiến nghị về trại lợn sạch Hồng Thái

Theo thông tin của người dân, trang trại này hoạt động đã nhiều năm qua, quy mô hoạt động của trang trại lên đến hàng nghìn con lợn. Tuy nhiên, chưa biết hiệu quả thực sự của trang trại đến đâu và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương ra sao, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường do trại lợn này gây ra càng ngày càng trầm trọng và kéo dài trong thời gian qua chưa có dấu hiệu được xử lý hoặc chấm dứt.

Liên tục trong nhiều năm, trang trại lợn Hồng Thái không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người dân các xóm 7,8,9 thôn Trình Xuyên, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định).

Đơn thư người dân cho biết, trại lợn tạo ra mùi xú uế nồng nặc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ của người dân. Những hôm thời tiết nhẹ nhàng thì còn đỡ, nhưng những hôm nắng nóng gay gắt thì mùi xú uế nồng lên, xông thẳng vào nhà dân xung quanh, thậm chí người dân sống cách đó bán kính 1km còn bị ảnh hưởng.

Sau khi Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường có bài phản ánh, chính quyền và các cơ quan chức năng của xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản đã rất tích cực vào cuộc, Sở tài nguyên môi trường cũng quyết liệt kiểm tra xử lý sự việc này.

Cụ thể, ngày 04/08/2023 Phòng TNMT đã có văn bản số 640 báo cáo với UBND huyện về các vấn đề được kiến nghị từ người dân liên quan đến việc ô nhiễm của Trại lợn Hồng Thái. Cũng trong ngày 04/08/2023, ông Vũ Tuấn Long, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vụ Bản đã ký văn bản số 642 gửi UBND xã Liên Bảo và đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trại lợn sạch Hồng Thái.

Đến ngày 10/08/2023 Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định) cũng có văn bản số 577 về việc mời liên ngành các cơ quan tham gia xác minh phản ánh gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Thủy sản Ngũ Hải. Và buổi kiểm tra sau đó đã được thực hiện vào ngày 15/08/2023 dưới sự tham dự của: Lãnh đạo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vụ Bản, UBND xã Liên Bảo và bà con nhân dân có tham gia chứng kiến.

Ngày 06/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định có công văn số 3852 gửi UBND huyện Vụ Bản về việc chăn nuôi của Công ty TNHH Thủy sản Ngũ Hải. Trong công văn này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã công bố về việc Thanh tra Sở TNMT đã có quyết định xử phạt Công ty Ngũ Hải do có hành vi vi phạm không báo cáo cơ quan cấp giấy phép.

Công văn số 3852 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định gửi UBND huyện Vụ Bản về việc chăn nuôi của Công ty TNHH Thủy sản Ngũ Hải.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng kết luận, trên thực tế trại lợn này đang hoạt động mà hệ thống xử lý nước thải của công ty Ngũ Hải không còn hồ sinh học, nước thải phát sinh được thu gom vào bể biogas sau đó dẫn qua bể lắng; khi trời mưa to, có hiện tượng nước thải tràn ra mương tiêu phía Đông. Do công ty dừng hoạt động trong một thời gian dài, bể Biogas đã bị xuống cấp, không còn đảm bảo lưu chứa khí…

Đây được cho là sự nhanh chóng, tích cực và rất sát sao của các cơ quan có liên quan tại tỉnh Nam Định và huyện Vụ Bản trong công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, trái ngược với sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì dường như Công ty Ngũ Hải lại đang có dấu hiệu chây ì, tìm cách “nhờn” với quy định của pháp luật khi thực tế đã không làm theo những gì chính họ đã cam kết và được yêu cầu thực hiện.

Cụ thể, trong buổi làm việc với cơ quan chức năng ngày 18/8/2023 đại diện công ty Ngũ Hải là ông Đặng Hồng Thái có cam kết sẽ dừng hoàn toàn việc chăn nuôi lợn để khắc phục và cải tạo  lại hệ thống nước thải sau khi xong lứa lợn hiện tại, trước ngày 10/10/2023.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vụ Bản, UBND xã Liên Bảo cũng đã rất tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình trước sai phạm của Công ty Ngũ Hải.

Trong kết luận làm việc ngày 18/8/2023 và trong văn bản số 3852 của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Ngũ Hải vận chuyển hết lợn thịt chăn nuôi ra khỏi trang trại theo đúng cam kết trước ngày 10/10/2023 và báo cáo với cơ quan chức năng để theo dõi giám sát.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm tháng 12/2023 các hoạt động chăn nuôi của trại lợn này vẫn diễn ra bình thường, người dân vẫn liên tục bức xúc phản ánh kêu ô nhiễm, chủ trại lợn thì vẫn mảy may “không nhớ” đến các quy định của pháp luật.

Ảnh chụp ghi nhận ngày 04/12/2023 hoạt động chăn nuôi của trại lợn Hồng Thái vẫn diễn ra bình thường dù hệ thống xử ý nước thải đã không còn đủ điều kiện.

Hóa ra, vào ngày 27/10/2023 ông Đặng Hồng Thái có văn bản gửi Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Nam Định; gửi UBND huyện Vụ Bản và UBND xã Liên Bảo với nội dung xin tiếp tục nuôi lợn  đến hết tháng 1/2024.

Cụ thể, trong văn bản này, đại diện công ty Ngũ Hải trình bày rằng do có một số lợn còn bé chưa xuất bán được, nhu cầu thị trường về lợn thịt cuối năm tăng cao nên Công ty xin được tiếp tục nuôi lợn đến hết ngày 30/01/2024. Như vậy, chỉ tính từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023, công ty Ngũ Hải đã “2 lần xin” được tiếp tục chăn nuôi lợn với lý do lợn chưa xuất bán được, dù rằng thực tế của trại lợn không còn đủ điều kiện đáp ứng các quy định định để có thể tiếp tục của dự án chăn nuôi lợn.

Chỉ tính từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023, Công ty Ngũ Hải đã “2 lần xin” được tiếp tục chăn nuôi lợn.

Trong văn bản này, ông Đặng Hồng Thái cũng tình bày về hoàn cảnh gia đình, các con đi học Đại học, Cao học, … để làm lý do cho việc xin tiếp tục việc chăn nuôi lợn, dù rằng lý do này tuyệt nhiên không liên quan đến việc phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi lợn của Công ty Ngũ Hải.

Liệu đây có phải sự cố tình chây ì, tìm cách “nhờn luật” của người đại diện công ty Ngũ Hải hay không? Ở một diễn biến khác có liên quan, nhiều dư luận cho rằng hoạt động chăn nuôi lợn tại Công ty Ngũ Hải không phải là của công ty Ngũ Hải mà có thể đây chỉ là việc cho các bên thứ 3 thuê lại chuồng trại và chăn nuôi. Về cá nhân ông Đặng Hồng Thái – Giám đốc Công ty Ngũ Hải, nhiều người đã lên tiếng và quá trình tham gia các hoạt động kinh tế của ông này từ thời điểm hoạt động sản xuất nước mắm, các hoạt động kinh doanh đầu tư của cá nhân này tại huyện Vụ Bản. Về phần diện tích đất đang được sử dụng để hoạt động trang trại chăn nuôi lợn, một số thông tin cho rằng rất có thể tài sản này cũng đang thuộc danh mục được kê biên của cơ quan chức năng, Viện kiểm soát huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. (?)

Không biết, sau 2 lần cố gắng “xin” và cố ý chây ì việc chăn nuôi lợn tại trang trại dù không còn đủ điều kiện thực tế, liệu công ty Ngũ Hải có thực sự sẽ làm đúng làm đủ trước những gì mà họ cam kết và theo đúng quy định của pháp luật hay không? Thế nhưng, người dân của xã Liên Bảo vẫn đang không ngừng phản ứng về việc họ phải sống trong mùi xú uế, các mối đe doạn về ô nhiễm môi trường và sức khỏe đời sống có thể xảy ra từ trang trại lợn.

Đối với các quy định của pháp luật, liệu đã đến lúc các cơ quan chức năng phải kiên quyết cưỡng chế nếu đơn vị vi phạm chây ý hay chưa? Trại lợn Hồng Thái của Công ty Ngũ Hải không thể tiếp tục nếu không đủ điều kiện đối với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường – đó là thực tế mà cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Nam Định cần xác định.

Phóng viên BVR&MT