VRG phấn đấu khai thác vượt kế hoạch hơn 17 nghìn tấn cao-su năm 2022

BVR&MT – Với dự báo điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) dự kiến năm 2022, tổng sản lượng khai thác toàn VRG đạt hơn 413 nghìn tấn, vượt hơn 17 nghìn tấn so kế hoạch.

Công nhân khai thác mủ cao-su trên vườn cây.

Ngày 5/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch sản lượng đề ra năm 2022, VRG đã xây dựng và có hướng dẫn cụ thể đối với từng khu vực trồng cao-su nhằm bảo đảm tổ chức tốt công tác thu hoạch mủ.

Năm 2021, VRG hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 16 ngày và có 11 công ty, 70 nông trường đạt tiêu chuẩn vào “Câu lạc bộ 2 tấn”. Toàn VRG khai thác vượt 25 nghìn tấn. Đây là mức hoàn thành sản lượng cao nhất so những năm trước đây.

Theo VRG, tổng diện tích cao-su kinh doanh toàn tập đoàn từ nay đến 2030 có xu hướng giảm dần còn dưới 250 nghìn ha. Tuy nhiên, năng suất khai thác lại tăng dần đến 2030, bình quân năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha và tổng sản lượng ổn định trong khoảng trên 400-450 nghìn tấn/năm.

Năm 2022, VRG xây dựng kế hoạch tổng sản lượng khai thác là hơn 396 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng trong nước là gần 244 nghìn tấn, ngoài nước là hơn 152 nghìn tấn.

Dự kiến đến hết ngày 31/12 tới, toàn VRG sẽ khai thác đạt hơn 413 nghìn tấn, vượt hơn 17 nghìn tấn, vượt 4,3% kế hoạch. Tất cả các khu vực đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực Campuchia dự kiến vượt cao nhất với 6,5%, tiếp theo sau là khu vực Tây Nguyên với 6%.

Công nhân thu hồi, tập kết mủ cao-su tại nông trường.

Ông Phạm Hải Dương, Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết: Dự báo, điều kiện thời tiết khí hậu năm 2022 tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, 6 vùng sản xuất cao-su của VRG có những khác biệt rất lớn về khí hậu, thổ nhưỡng, lao động.

Do đó, VRG đề ra các biện pháp quản lý và điều hành phù hợp điều kiện thực tế của từng vùng miền, đồng thời chủ động với các đơn vị để tổ chức quản lý công tác thu hoạch mủ đạt hiệu quả cao nhất.

VRG tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật từ tập đoàn đến cơ sở nhằm bảo đảm các giải pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, kịp thời; tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu vườn cây để phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn và quản lý, điều hành sản xuất.

Về giải pháp dài hạn, các đơn vị liên tục nâng cao chất lượng vườn cây tái canh và kiến thiết cơ bản, bảo đảm định hướng của VRG nhằm chuẩn bị tốt về năng lực sản xuất của vườn cây chuyển từ kiến thiết cơ bản sang kinh doanh hằng năm đạt và vượt theo yêu cầu của Quy trình kỹ thuật cây cao-su 2020.