VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 3): Thiên đường du lịch sinh thái cần được đánh thức

BVR&MT – Sở hữu những điều kiện tuyệt vời về thiên nhiên, con người và văn hóa, VQG Pù Mát hội tụ đầy đủ các lợi thế về thiên thời – địa lợi – nhân hòa để có thể vươn mình trở thành trung tâm du lịch sinh thái (DLST) của khu DTSQ miền Tây Nghệ An trong tương lai.

VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 1): “Bảo tàng tự nhiên” đáng tự hào của Việt Nam
VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 2): Ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc bản địa

“Hữu xạ tự nhiên hương” – Đó là câu nói mang tính đúc kết được dùng để tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết, sẵn có thì sẽ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Đối với Pù Mát, vẻ đẹp nổi bật nhất chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, trong đó khung cảnh hoang sơ của rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi đóng vai trò là “tông màu” chủ đạo.

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Khám phá những kỳ quan tự nhiên

Để thưởng ngoạn một cách chân thực nhất vẻ đẹp của những cánh rừng Pù Mát, không gì thú vị hơn là được bồng bềnh trên con thuyền rẽ sóng ngược dòng sông Giăng, vào đến tận vùng lõi của VQG. Khi ấy, những gì tinh túy nhất dưới bàn tay tuyệt vời của tạo hóa sẽ dần chiếm trọn tầm mắt và từng cung bậc xúc cảm trong mỗi người.

Bến du thuyền Phà Lài, điểm đầu của hành trình ngược dòng sông Giăng.

Xuất phát từ đập Phà Lài (theo tiếng Thái, Phà Lài là “hoa của trời”) mặt nước êm ả và sâu lắng, lòng sông rộng và trong, đôi bờ xanh rì những rừng cây, bờ dâu, nương lúa của đồng bào dân tộc Thái.

Những cánh rừng nguyên sinh của VQG Pù Mát hiện lên thật bao la và hùng vĩ dọc đôi bờ sông Giăng.

Càng đi sâu, lòng sông lại càng hẹp và nông dần, đôi lúc có những đoạn nước chỉ cao hơn đầu gối với những bãi đá cuội tròn vo xếp lên nhau tầng tầng lớp lớp tạo nên những gợn sóng nhấp nhô, làm tung bọt nước trắng xóa, mát lạnh. Cùng với đó, những cánh rừng nguyên sinh mang hơi thở hoang dại, kỳ vĩ của đại ngàn Trường Sơn dần hiện ra bao la và sừng sững như đang tò mò quan sát những lữ khách nhỏ bé từ đâu lạc đến vương quốc này.

Từ Phà Lài ngược dòng chừng hơn 10km, dòng sông thu hẹp hơn nữa, lòng sông xuất hiện nhiều ghềnh đá, nước chảy mạnh và xiết. Lúc này du khách phải bám chặt vào mạn thuyền, thưởng thức cảm giác mạnh, hò reo theo sự luồn lách ngoạn mục của con thuyền cùng với tay lái điêu luyện của những người dân địa phương điều khiển. Thỉnh thoảng du khách được chứng kiến nhiều pha trình diễn đầy hấp dẫn của những con thuyền gỗ đơn sơ xuôi dòng lao vun vút.

Hiện tại, tiềm năng khai thác du lịch trên sông Giăng mới chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, vãn cảnh là chủ yếu, vì vậy lượng du khách đến với địa danh này còn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Trên thực tế, với cảnh quan tuyệt đẹp đôi bờ cùng địa hình đặc biệt dốc và nhiều đoạn thác ghềnh là tiền đề vô cùng thích hợp để sông Giăng phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá tự nhiên mới mẻ như: Tubing (hay còn gọi là “sông lười”), Kayaking (chèo thuyền), trekking (đi bộ đường dài)… Đây là điều mà một trong những thị trấn du lịch nổi tiếng nhất của Lào mang tên Vang Vien đã và đang thực hiện rất thành công.

Cách thủ đô Vientiane – Lào khoảng 160 km, Vang Vieng là một thị trấn miền núi ven dòng sông Nam Song. Các trò chơi như: Tubing , Kayaking (chèo thuyền), trekking (đi bộ đường dài), canoeing trở nên rất thịnh hành, các quán Bar mở dọc hai bên bờ sông,….đã biến nơi đây từ một thị trấn nghèo trở thành thiên đường cho Backpackers (dân du lịch bụi), mỗi năm thu hút cả triệu lượt du khách.

Tubing là một trong số những trò chơi mạo hiểm đặc sản của Vang Vien thu hút hàng ngàn du khách nước ngoài với hình thức mặc áo phao, nằm trên phao tròn lớn, thả mình trôi theo dòng sông.

Tubing là một trong số những trò chơi mạo hiểm đặc sản của Vang Vien thu hút hàng ngàn du khách nước ngoài với hình thức mặc áo phao, nằm trên phao tròn lớn, thả mình trôi theo dòng sông , thư giãn ngắm núi rừng, cảnh vật xung quanh như kiểu mô hình sông lười ở trong các công viên nước nhưng tuyệt vời hơn và cũng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần…

Tạm biệt sông Giăng, du khách sẽ không thể bỏ qua một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn đó là Thác Kèm. Nằm cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 25 km, thác Khe Kèm là kỳ quan của thiên nhiên đã ban tặng cho VQG Pù Mát. Từ độ cao 150 m, dòng thác đổ mạnh xuống tung bọt trắng xóa tạo nên khung cảnh hoành tráng và huyền ảo như lạc vào xứ sở thần tiên.

Thác Kèm nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát với độ cao lên đến 150 m. Một trong những kỳ quan được hình thành bởi những kiến tạo địa chất độc đáo.

Dưới chân thác là dòng suối trong mát cùng những đàn cá tung tăng bơi lội. Đặc biệt ở chỗ những chú cá ở đây tỏ ra khá bạo dạn và thân thiện. Chúng thường bám vào chân người và rỉa những lớp da ngoài đã chết tạo nên cảm giác nhồn nhột rất thú vị. Có lẽ chính vì vậy mà khi du khách vui chơi hoặc tạo dáng chụp ảnh dưới dòng suối của Khe Kèm lúc nào cũng tươi cười, rạng rỡ cho dù có mệt mỏi đến đâu. Ấn tượng nhất là về mùa hè, cho dù ngoài trời có nóng nực tới mức nào thì khi đặt chân tới Thác Kèm du khách đều cảm thấy mát mẻ và sảng khoái bởi nhiệt độ quanh thác chỉ vào khoảng 20°C.

Nếu chưa hết hứng thú với những dòng suối, mời bạn tiếp tục ghé thăm Khe Cớ, một địa điểm đầy cuốn hút thuộc vùng đệm VQG Pù Mát, nằm trên địa bàn bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Tên gọi Khe Cớ bắt nguồn từ tiếng Thái dựa trên đặc điểm dòng nước của suối lên rất nhanh và xuống cũng rất chóng tựa như trái bòng xì hơi. Một cách lý giải rất hay nhưng cũng đầy ngộ nghĩnh.

Suối Khe Cớ trong mát và thơ mộng là một điểm đẹp hứa hẹn thu hút nhiều du khách trong thời gian tới.

Khung cảnh xung quanh Khe Cớ thật thơ mộng với những phiến đá khổng lồ có hình thù đa dạng và rất “ăn ảnh” khi lên hình. Trên cao vách đá là hàng cây cổ thụ xanh mát cùng những khóm hoa rừng tươi tắn soi bóng xuống dòng suối trong mát đang rì rào chảy. Đâu đó tiếng chim rừng hót líu lo gọi bầy, những cánh bướm mềm mại tung tăng trong gió. Tất cả đã hòa quyện với nhau tạo nên một bản nhạc thật du dương mang đậm âm hưởng của núi rừng.

Cách Khe Cớ không xa, rừng Săng Lẻ nằm ở địa phận bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được xem là rừng săng lẻ đẹp nhất Đông Dương. Khu rừng có gần 70 ha thuần cây săng lẻ lâu năm cao chót vót, cùng với con đường 7 uốn lượn giữ rừng tạo nên vẻ đẹp mà không nơi nào có được.

Rừng Săng Lẻ với diện tích 70 ha nằm trên địa phận xã Tam Đình – Tương Dương – Nghệ An được mệnh danh là rừng Săng Lẻ đẹp nhất Đông Dương.

Đây là địa điểm chụp hình lý tưởng cho những du khách ưa thích săn ảnh bởi mỗi mùa khu rừng lại có một vẻ đẹp riêng. Điều này khiến cho những du khách khi đến với thắng cảnh này không cần phải lo lắng nhiều về việc sắp xếp thời gian. Hơn nữa, ở rìa các khu rừng, những lán cọ xinh xắn của đồng bào dân tộc Thái Tương Dương dựng san sát, là nơi nghỉ ngơi tuyệt vời để review những khung hình ưng ý.

Trải nghiệm những nét đẹp văn hóa

Sẽ là thiếu xót nếu trên hành trình khám phá VQG Pù Mát mà du khách bỏ qua việc trải nghiệm những nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây.

Những nét văn hóa dân tộc Thái qua điệu múa xòe, múa sạp đầy quyến rũ. (Hình ảnh gi lại tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông)

Ấn tượng đầu tiên và đậm nét nhất tới từ cộng đồng dân tộc Thái của vùng đất này. Đến với những bản làng xinh tươi và trù phú của người Thái, du khách sẽ được đón tiếp với những tình cảm chân thành của bà con và được thưởng thức những nét văn hóa dân tộc Thái qua điệu múa xòe, múa chăm và tiếng khèn, cồng chiêng của họ và hững thú vui uống rượu cần, múa lăm vông mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc từ bao đời nay.

Du khách trải nghiệm ẩm thực người Thái tại xã Môn Sơn – Con Cuông.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, bà con dân tộc Thái đã hình thành những làng nghề như dệt thổ cẩm, đan lát… Các sản phẩm váy, khăn hoặc chiếc túi xách xinh xắn đã được các cô gái Thái dùng bàn tay khéo léo của mình dệt nên với những hoa văn đặc sắc và sự tinh tế đến bất ngờ.

Du khách ghé thăm bản Xiềng, làng nghề chuyên dệt thổ cẩm của người Thái tại xã Môn Sơn – Con Cuông.

Thăm làng nghề du khách vừa được chiêm ngưỡng những bàn tay tài hoa đang thoăn thoắt với chiếc khung cửi hoặc có thể mua những sản phẩm của làng nghề về làm kỷ niệm cho chuyến đi thú vị của mình.

Không kém phần đặc sắc, văn hóa của các dân tộc như Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai cũng mang nhiều nét đặc trưng và thú vị từ cách ăn, ở, mặc cho đến phong tục, lễ hội.

Với dân tộc Khơ Mú, họ sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, săn bắn và hái lượm. Du khách đến thăm bản của người Khơ Mú sẽ có cơ hội được nếm thử xôi độn ngô, sắn ăn chung với các món có vị cay, chua, đắng, có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua… Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ… Đây cũng chính là điểm đặc sắc trong mối quan hệ xã hội của dân tộc này. Ngoài Tết nguyên đán, người Khơ Mú còn ăn Tết cơm mới được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch hàng năm.

Các khách quan chụp ảnh lưu niệm tại Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, nơi sinh sống hiện tại và duy nhất của dân tộc Ơ Đu.

Hay tộc người Ơ Đu trên địa bàn xã Nga My, huyện Tương Dương từ xa xưa từng rất phồn thịnh và có nền văn hóa đặc sắc. Trước đây, họ sống độc lập, có “nhà nước”, có nhiều bầy voi và có vua cai trị. Họ sống bằng nghề chài lưới, phát nương làm rẫy, buôn bán trên sông với nhiều thuyền bè tấp nập ngược xuôi…

Về phương diện lịch sử, vùng đất này còn ghi dấu những chiến công vô cùng hiển hách của cộng đồng các dân tộc từ thuở dựng nước và giữ nước với các địa danh nổi tiếng như: bia Ma Nhai (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) ghi dấu chiến tích vua Trần Minh Tông đánh tan quân Ai Lao năm 1335, di chỉ thành Trà Lân (xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) gắn với chiến tích “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Cùng với đó, xã Môn Sơn – Con Cuông cũng là địa danh ghi dấu sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây Nghệ An tháng 4/1931.

Bia Ma Nhai nằm trên núi Ma Nhai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, nơi ghi dấu chiến tích vua Trần Minh Tông đánh tan quân Ai Lao năm 1335.

Ngày nay, tại các địa danh lịch sử này hàng năm vẫn diễn ra nhiều lễ hội để tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân có công với dân với nước. Song hành là các hoạt động văn hoá nhiều màu sắc với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc và thu hút được sự quan tâm rất lớn của du khách thập phương.

Hậu Thạch