BVR&MT – Tính đến nay, Malaysia chỉ còn khoảng 1.100 cá thể voi.
Con số này gây lo lắng không chỉ cho loài voi mà nhiều loài động vật hoang dã khác, Tổng giám đốc của Cơ quan Động vật hoang dã và Vườn quốc gia Malaysia (Perhilitan) Abdul Kadir Abu Hashim chia sẻ.
Thông tin đáng buồn nữa là cái chết của các loài động vật hoang dã tăng dần theo từng năm, cụ thể năm 2015 có tới 6.258 cá thể bị chết, 2016 là 6.767 cá thể và 2017 lên tới 7.451 cá thể.
Ba bang ghi nhận số lượng động vật hoang dã chết nhiều nhất là Selangor với 1.745 cá thể, Johor 1.616 cá thể và Perak 792 cá thể.
Tại Maylaysia, ba loài động vật gồm trút (Tê tê java), hổ Mã Lai và bò Banteng đang đứng đầu danh sách có nguy cơ tuyệt chủng trong khi tê giác Sumatra là loài động vật gần đây bị tuyên bố tuyệt chủng tại Malaysia.
“Ngoài ba loài này, Perhilitan cũng tập trung vào các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, nai, sơn dương Sumatra và cò lạo xám”, Abdul Kadir cho biết.
Số lượng cá thể các loài trên hiện đều rất thấp. Đến nay, ở bán đảo Malaysia ước tính có khoảng 1.000 – 1.100 con voi, 150 – 200 con bò tót, khoảng 200 con hổ Mã Lai, 800 con heo vòi, 400 con nai, 200 – 500 con sơn dương Sumatra và 30 con cò lạo xám.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm là do nạn săn trộm hoành hành và các dự án phát triển thiếu kiểm soát, Abdul Kadir cho hay.
“Mặc dù đưa ra nhiều chiến lược quảng cáo và chương trình nâng cao nhận thức qua từng năm, song nạn săn trộm và buôn lậu động vật hoang dã vẫn là một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng trên”, Abdul Kadir than thở.
Nhật Anh (Theo Mashable Southeast Asia)