BVR&MT – Nhờ đặc tính dễ trồng, chịu được hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động và cho hiệu quả cao, nhiều năm nay, cây bí đỏ đã được nông dân trên địa bàn tỉnh mở rộng tối đa diện tích và trở thành cây chủ lực trong sản xuất vụ Đông ở các địa phương.
Bén duyên trên đồng đất xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường từ vụ Đông năm 2005 với diện tích làm điểm 5 ha của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay, diện tích cây bí đỏ đã tăng lên hơn 100 ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, đồng thời giải quyết bài toán bỏ ruộng hoang trong sản xuất vụ Đông, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho địa phương và các vùng lân cận.
Cánh đồng bờ thó trồng bí đỏ ở xã Vũ Di bắt đầu cho thu hoạch. Trên những thửa ruộng, nông dân đang thu hoa, bí bào tử (bí non) để vận chuyển đến nơi tập kết bán cho thương lái; thỉnh thoảng lại có bác nông dân mua hoa bí về ăn. Năm nay, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày trong tháng 10, khiến năng suất hoa, quả bí thấp hơn mọi năm nhưng bù lại nhiều hộ bán bí non được giá.
Bà Lương Thị Diện, thôn Yên Nhiên (Vũ Di) nhiều năm gắn bó với cây bí đỏ cho biết: Thời tiết thất thường, khiến sản xuất vụ Đông năm nay vất vả, hơn 1 sào trồng bí đỏ của gia đình tuy vẫn giữ được nhưng năng suất không cao.
Hiện đang đầu vụ thu hoạch bí nên được giá; gia đình vừa bán 55 kg bí non với giá 10 nghìn đồng/kg và 17- 20 nghìn đồng/kg nụ hoa. Nếu giá ổn định, dự kiến sẽ thu được 2- 2,5 triệu đồng/sào.
Theo bà Diện, bí đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp và thích hợp với mọi loại đất, có thể trồng quanh năm. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, ngoài thu quả, thì hoa bí cũng là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ cho bà con nông dân.
Với diện tích trồng 2,5 sào bí đỏ, vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thục bán thu hơn 1 triệu đồng, chưa kể tiền bán hoa bí hàng ngày.
Bà Thục cho biết: Mỗi sào trồng bí đỏ, sau 40- 50 ngày cho thu hoa, bí non và 70 ngày cho thu quả già. Quả bí tương đối sạch, lại bổ dưỡng, vỏ cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài (vài tháng) nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển tiêu thụ và được người tiêu dùng ưa chuộng, không lo đầu ra sản phẩm.
Ông Đặng Xuân Trường, cán bộ nông nghiệp xã Vũ Di cho biết: Qua nhiều năm trồng cây bí đỏ, giờ đây, nông dân ở địa phương đã nắm vững kỹ thuật thâm canh cũng như các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại để cây bí đỏ cho năng suất cao nhất.
Sản phẩm thu đa dạng từ hoa, ngọn, quả non đến quả già, nhất là quả bí non và ngọn bí non được người tiêu dùng ưa thích nên dễ tiêu thụ, lại được giá, do đó cây bí đỏ đem lại hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích.
Vụ Đông hằng năm, địa phương duy trì trồng trên 100 ha và trở thành cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho địa phương và các vùng lân cận.
Tại xã Tề Lỗ huyện Yên Lạc, hơn 100 ha bí đỏ cũng đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên người dân địa phương chuyển sang bán bí non với giá cao.
Ông Bùi Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tề Lỗ cho biết: Vụ Đông 2021, HTX gieo trồng 100 ha bí đỏ, trong đó có 66 ha được tỉnh hỗ trợ 50% giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Để nâng cao hiệu quả cây bí đỏ, HTX thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí đỏ; liên kết với các đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, toàn tỉnh gieo trồng được 14 nghìn ha cây trồng vụ Đông, đạt hơn 93% kế hoạch.
Ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương mở rộng tối đa diện tích cây trồng có giá trị kinh tế; hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn VietGap theo Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021- 2025 với diện tích hơn 1.800 ha, trong đó cây bí đỏ gần 1.000 ha. Đến nay, nhiều diện tích cây vụ Đông đã cho thu hoạch, bán được giá, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Những năm gần đây, trước sự phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp đã tạo sự dịch chuyển nhiều lao động chính trong nông nghiệp sang các ngành khác, dẫn đến thiếu hụt lao động, nhất là lao động trẻ.
Vì vậy, việc đưa cây bí đỏ vào gieo trồng vụ Đông đã giải quyết bài toán lao động ở nông thôn, hạn chế tình trạng bỏ đất trống, từ đó hình hình các vùng sản xuất bí đỏ tập trung ở các địa phương góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác.