Vĩnh Phúc siết chặt công tác quản lý, sử dụng đất đai

BVR&MT – Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc xử lý 4.018 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, với tổng diện tích hơn 122ha. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần đấu tranh quyết liệt, làm rõ, công khai các vi phạm, kể cả xảy ra nhiều năm trước.

Cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án Công viên vui chơi giải trí tại thành phố Vĩnh Yên.

Ðể tăng cường lãnh đạo công tác giải quyết các vi phạm về đất đai, trong năm 2022, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành 3 văn bản và UBND tỉnh ban hành 63 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 33 văn bản, báo cáo chuyên đề và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị xử lý vi phạm đất đai.

Quyết liệt từ tỉnh đến xã

Nhiều sở, ngành ở Vĩnh Phúc ban hành các đề án, kế hoạch liên quan quản lý đất đai. Công an tỉnh đã khởi tố 10 vụ án hình sự với 8 bị can liên quan đến lĩnh vực đất đai. Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại các dự án dịch vụ thương mại, dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu chức năng đô thị và hai bên các trục quốc lộ, tỉnh lộ. Thanh tra tỉnh thực hiện 15 cuộc thanh tra liên quan quản lý, sử dụng đất, đề xuất xử lý nhiều trường hợp. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 25 dự án chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng hoặc 12 tháng liên tục không đưa đất vào sử dụng; 18 chủ đầu tư vi phạm về mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất…

Tại xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, có quốc lộ 2 và nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, giá đất có nơi lên đến hơn 100 triệu đồng/m2. Một số người dân dựng lều trại, xây dựng trái phép. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Trung cho biết: Mỗi lần xử lý cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm là mất ngủ vì căng thẳng, áp lực. Rất nhiều hình thức dọa dẫm, tẩy chay, lăng mạ. Cũng thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường, cả Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND xã Việt Xuân đều bị kỷ luật vì những vi phạm đất đai diễn ra từ trước đó nhiều năm, như doanh nghiệp tự ý làm nhà xưởng trên đất nông nghiệp, các bến cát và trạm trộn bê-tông tự phát. Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND xã Thiện Kế thuộc huyện Bình Xuyên bị cách chức vì bất lực trong việc xử lý vi phạm đất đai…

Tại thành phố Vĩnh Yên, việc tổ chức xử lý vi phạm vấp phải phản ứng dữ dội từ một số người dân xây dựng công trình trái phép tại xã Ðịnh Trung, phường Liên Bảo, phường Khai Quang. Việc cũ chưa xử lý xong lại phát sinh nhiều vi phạm mới, như việc một số hộ dân khu dân cư Làng Thủy, phường Liên Bảo tự ý xây dựng công trình kiên cố không được chính quyền cho phép; một số hộ dân khu Ðồi Dẫm, phường Ðồng Tâm tự ý chiếm đất công viên cây xanh…

Trước tình hình đó, các cấp, ngành tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất chỉ đạo với tư tưởng nhất quán, kiên trì, kiên quyết, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố mỗi năm xử lý ít nhất 20% số vụ việc tồn đọng, vi phạm đất đai và yêu cầu xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh. Cấp huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho cấp xã. Nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm điểm trách nhiệm được thực hiện từ cấp xã đến cấp tỉnh. Ðến cuối năm 2022, việc xử lý vi phạm đất đai của tỉnh đạt kết quả khá tích cực.

Không lùi bước trước khó khăn

Ðến nay, Vĩnh Phúc vẫn còn 7.993 trường hợp vi phạm đất đai phát sinh trước ngày 16/3/2020 chưa được xử lý giải quyết, với tổng diện tích 279,76ha. Số trường hợp vi phạm phát sinh sau ngày 16/3/2022 chưa được xử lý giải quyết dứt điểm là 247 trường hợp. Cộng cả số mới và số cũ thì toàn tỉnh còn hơn 8.200 trường hợp cần xử lý, bằng một nửa so với con số 16.591 vụ việc được thống kê ngày 16/3/2020.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Tuấn cho biết: Ðã kiểm điểm rất nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan những hạn chế, khuyết điểm, Sở tiến hành một đợt chỉnh đốn mạnh mẽ đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ bản khắc phục tình trạng chậm hạn. Hằng tuần, Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh phải có phiếu đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng viên chức, người lao động. Cán bộ sở làm việc cả ngày nghỉ, buổi tối để hoàn thành công việc.

Sở tiến hành một đợt chỉnh đốn mạnh mẽ đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ bản khắc phục tình trạng chậm hạn. Hằng tuần, Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh phải có phiếu đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng viên chức, người lao động. Cán bộ sở làm việc cả ngày nghỉ, buổi tối để hoàn thành công việc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Tuấn

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và sớm đưa ra kết luận về việc sử dụng đất của các dự án ven đường giao thông chính, các dự án thương mại, dịch vụ; các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tăng cường tham mưu đẩy nhanh thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; tăng cường thanh tra, xử lý các vụ việc lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp.

Có thể nói, sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh với vi phạm liên quan đến đất đai của Vĩnh Phúc đã ngăn chặn hiệu quả làn sóng vi phạm đất đai trên địa bàn tỉnh. Thông qua các cuộc xử lý vi phạm, cưỡng chế phá dỡ các công trình trái phép, thu hồi đất sử dụng sai mục đích, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, sử dụng đất đai được cải thiện đáng kể. Công tác quản lý đất đai từng bước đi đúng quỹ đạo pháp luật, bảo đảm sự công bằng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên có giá trị này.