Vĩnh Phúc: Hiện hữu nỗi lo tái nghèo

BVR&MT – Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung, đời sống xã hội nói riêng và những biến cố bất ngờ đã khiến nguy cơ tái nghèo hiện hữu ở nhiều nơi, đặt ra thách thức mới trước mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Vừa mới thoát nghèo, nhưng chi phí điều trị căn bệnh ung thư quái ác lại khiến chị Nguyễn Thị Huyền, ở Tổ dân phố Đồng Lý, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên có nguy cơ rơi vào cảnh tái nghèo

Những hoàn cảnh éo le

Căn nhà nhỏ nằm trong một con ngõ ở Tổ dân phố Đồng Lý, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên của chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1978) luôn ấm áp tiếng cười.

Nhiều năm qua, là hộ nghèo rồi được “thăng hạng” cận nghèo, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước trong những giai đoạn khó khăn, chị Huyền đã nỗ lực làm việc chăm chỉ, nuôi mẹ già và hai con ăn học với quyết tâm thoát nghèo. Năm 2020, gia đình chị chính thức thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì tai họa ập đến. Mấy tháng trước, qua kiểm tra sức khỏe, chị Huyền phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 2. Gia đình chị Huyền có mẹ già 75 tuổi bệnh tật, hai con đang tuổi đi học nên để có tiền mổ khối u và chữa bệnh, chị Huyền đành phải vay mượn khắp nơi.

Chi phí mổ và điều trị căn bệnh ung thư quái ác với gia đình vừa thoát nghèo như nhà chị Huyền là một áp lực vô cùng lớn. Hơn nữa, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc ở công ty cũng ít hơn cộng với việc phải nghỉ làm để đi điều trị khiến thu nhập của chị Huyền bị giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống rơi vào khó khăn, vất vả, nỗi lo tái nghèo hiện hữu trước mắt…

Cũng ở trong tình cảnh éo le như chị Huyền, bà Nguyễn Thị Huề, ở thôn Cam Lâm, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo không những chịu đau buồn vì mất đi cả con dâu và con trai mà còn đứng trước nguy cơ tái nghèo khi giờ đây, cuộc sống của hai bà cháu đang rất khó khăn.

Trước đây, gia đình bà Huề thuộc hộ nghèo nhiều năm ở địa phương, con dâu mất sớm vì bệnh tật nên cả gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập bấp bênh của con trai bà Huề. Không may, tháng 7/2020, con trai bà Huề cũng ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư gan khi gia đình… vừa mới thoát nghèo không được bao lâu.

Bà Huề bị bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc, mắt kém bẩm sinh và đau nhức xương khớp nên hay ốm đau. Dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Huề vẫn cố gắng làm 3 sào ruộng để có gạo ăn hằng ngày và lo cho đứa cháu nội hiện đang học lớp 9 Trường THCS Minh Quang ăn học nên người.

Nợ nần do chi phí điều trị bệnh cho con, không có thu nhập ổn định, cháu gái vẫn đang tuổi ăn học nên với hoàn cảnh của bà Huề thì việc vươn lên ổn định cuộc sống là không hề dễ dàng.

Khó khăn và trăn trở

Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Các địa phương đều nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 104 triệu đồng/năm và cao hơn mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,98%, hộ cận nghèo còn 1,88%, thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (2,75%).

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, cùng với số gia đình hoàn cảnh có biến cố bất thường, những thảm họa về thiên tai, dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, nhất là đối với các gia đình mới thoát nghèo hoặc ở mức “vừa đủ ăn”, chưa có sự ổn định về kinh tế thì nguy cơ tái nghèo hoặc rơi vào cảnh nghèo khó trở thành nỗi lo ngày càng lớn ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Trên thực tế, rất nhiều gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo sau một thời gian nỗ lực vừa mới thoát nghèo nhưng chỉ cần một thành viên trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo thì lại rơi vào cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Hoặc một gia đình đang ở ngưỡng cửa cận nghèo nhưng các trụ cột kinh tế trong gia đình bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cả gia đình phải lo ăn từng bữa và cũng đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khó.

Qua chia sẻ của những người nghèo, bản thân họ không mong muốn được “ghi tên” trong danh sách hộ nghèo nhưng hoàn cảnh éo le khiến cuộc sống họ gặp nhiều khó khăn mà nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về các dịch vụ như điện, y tế, giáo dục, vốn vay… thì không biết bao giờ họ mới thoát nghèo được chứ chưa nói gì đến thoát nghèo bền vững.

Nỗi lo tái nghèo không chỉ là trăn trở của người dân mà còn là vấn đề khó khăn ở nhiều địa phương khi áp lực về giảm tỷ lệ hộ nghèo ngày càng cao, tiêu chí chấm hộ nghèo đa chiều ngày càng chặt chẽ.

Bởi vậy, cùng với thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững thì các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa để hỗ trợ kịp thời đến những gia đình mới thoát nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tái nghèo.