Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo: Phối hợp hoàn thiện để đồng bào được hưởng lợi sớm

BVR&MT – Sáng 16/2, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với các đơn vị liên quan nghe báo cáo công tác xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khánh Linh

Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo” hướng đến bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên huyện Tam Đảo, trong đó, ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Soọng Cô để sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Đề án dự kiến triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022 – 2025) xây dựng Làng Văn hoá kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú, xã Đạo Trù với diện tích quy hoạch khoảng 48 ha; xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề làm homestay (từ 30 – 50 hộ dân).

Giai đoạn 2 (2026 – 2030), tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển Làng Văn hoá kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho từ 200 – 300 lao động dân tộc Sán Dìu học kỹ năng về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch.

Đến năm 2025 sẽ cung cấp việc làm cho 1.300 lao động, trong đó, lao động trực tiếp tại Làng Văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu thôn Tân Phú, xã Đạo Trù là 300 lao động.

Trong đề án cũng đưa ra 7 giải pháp liên quan tới quy hoạch chung của đô thị Tam Đảo; xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, mô hình quản lý và hoạt động của Làng văn hóa kiểu mẫu; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc Sán Dìu; giải pháp về nguồn lực; phối hợp và hợp tác liên kết tuyến hành trình di sản phát triển du lịch; giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Dự toán tổng mức đầu tư của đề án gần 500 tỷ đồng

Cho ý kiến vào Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo”, các đại biểu cho rằng đề án cần rà soát điều tra khảo sát về số lượng người dân tộc Sán Dìu; đánh giá hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với vùng đồng bào người dân tộc Sán Dìu, hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp ngân sách của huyện đối với tỉnh; đề án cần hướng đến sử dụng nguồn vốn xã hội hóa; tránh trùng lặp các dự án đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đánh giá cao quyết tâm của huyện Tam Đảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng, truyền thống của huyện Tam Đảo và của toàn tỉnh.

Đồng chí đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của huyện Tam Đảo về việc triển khai đề án này nhưng phải điều chỉnh kết cấu, phạm vi, mục tiêu và đối tượng thụ hưởng của dự án. Đồng chí nhấn mạnh, đây là dự án có quy mô lớn, mang ý nghĩa văn hóa xã hội sâu sắc, có tác động quan trọng đến đời sống người dân nói chung, người Sán Dìu nói riêng. Do vậy, đối tượng cần hướng đến là người dân tộc Sán Dìu và đối tượng được thụ hưởng chính phải là người dân tộc Sán Dìu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tam Đảo tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sâu hơn các nội dung đề án. Đồng thời, giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ, Ban chỉ đạo thẩm định các nội dung liên quan tới đề án; phối hợp cùng huyện và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án sửa đổi trong thời gian sớm nhất.