BVR&MT – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đơn vị đang hướng dẫn nông dân ở huyện Mang Thít thực hiện một số giải pháp phòng chống bệnh trên dây khoai mỡ. Hiện một số diện tích khoai mỡ nơi đây đang bị héo dây, thối rễ nên không thể tạo củ, năng suất giảm đáng kể.
Theo các hộ nông dân, khoai mỡ phát bệnh khi trồng được hơn 3 tháng. Do dây và rễ khoai bị héo nên rất khó có khả năng tạo củ như những năm trước. Mặc dù người dân đã thực hiện nhiều biện pháp như bón phân, phun thuốc nhưng bệnh vẫn tiếp tục lây lan.
Anh Nguyễn Đức Hiền, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít cho biết, vụ này anh thuê 1 ha đất để trồng khoai. Ngay khi phát hiện có dấu hiệu bệnh anh đã phun xịt nhiều loại thuốc nhưng vẫn không có tác dụng. Hiện ruộng bị nhiễm bệnh khoảng 70%, khó có khả năng thu hoạch củ để lấy lại vốn.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, Huỳnh Kim Định thông tin, hiện toàn huyện Mang Thít có khoảng 15 ha khoai mỡ bị nhiễm bệnh; trong đó có khoảng 2,3 ha nhiễm ở mức độ từ 20-35% và có khoảng 1 ha khoai bị nhiễm bệnh nặng khiến nông dân dở bỏ hẳn để cải tạo đất trồng loại cây khác. Những năm trước, khoai mỡ cũng có biểu hiện bệnh nhưng vẫn điều trị được.
Đây là năm đầu tiên bệnh phát triển nhanh và khó kiểm soát. Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Thít và người dân khảo sát, đánh giá tình hình bệnh, đồng thời gửi mẫu sang Trường Đại học Cần Thơ để phân tích tìm tác nhân gây bệnh. Kết quả phân tích bước đầu xác định trên lá khoai có những vết đốm do nấm Collectotrichum gây bệnh, trên gốc thân dây khoai có xuất hiện dòng vi khuẩn, hiện đang chờ xác nhận là do vi khuẩn gì gây bệnh để có hướng dẫn các loại thuốc đặc trị giúp người dân yên tâm canh tác.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, tình hình thời tiết mưa bảo, ẩm độ không khí cao và truyền thống chuyên canh cây khoai mỡ trên đất ruộng nhiều năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát triển, lây lan nhanh.
Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ phân tích tìm ra tác nhân gây hại và triển khai các biện pháp phòng bệnh cụ thể để người dân áp dụng nhằm khôi phục lại ruộng khoai.
Chi cục khuyến cáo, trong giai đoạn này nông dân nên thường xuyên thăm đồng, tăng cường vệ sinh đồng ruộng, sử dụng các loại thuốc trừ nấm do ngành nông nghiệp giới thiệu, không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên thị trường. Ngoài ra, người dân không nên chuyên canh khoai trong thời gian dài mà nên luân canh với các loại cây trồng khác, cân đối trong sử dụng phân hữu cơ và phân vô cơ.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng tăng cường tổ chức tập huấn kiến thức, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình canh tác loại khoai này./.
Lê Thúy Hằng