“Việt Nam với những sắc màu dân tộc” tôn vinh các giá trị riêng biệt

BVR&MT – “Chợ phiên vùng cao – Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” là điểm nhấn tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc của chuỗi hoạt động “Việt Nam với những sắc màu dân tộc.”

Một phiên chợ vùng cao. Ảnh minh họa.

Thông tin từ đại diện Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong tháng 4/2021, các hoạt động theo chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” sẽ diễn ra tại khuôn viên của Làng (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Đây là chuỗi các hoạt động nhằm tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) trong đó “Chợ phiên vùng cao – Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” là điểm nhấn.

“Chợ phiên vùng cao – Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với hai mảng rõ rệt: Không gian chợ và Không gian văn hóa chợ.

Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội với chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân Dao, Mông, La Chí, Thái.

Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì… với sản phẩm nông-lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực đặc trưng; giới thiệu văn hóa – du lịch của huyện thông qua triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch với chủ đề “Hoàng Su Phì – Thiên đường kỳ vĩ”; giới thiệu và bán thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao…

Không gian văn hóa chợ với sự tham gia của các dân tộc Dao, Mông, La Chí… tái hiện không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén, chúc tụng chia vui.

Có 10 nghệ nhân dân tộc Mông (huyện Hoàng Su Phì) tạo không gian điểm nhấn tại trung tâm của chợ với các điệu múa khèn bên chảo thắng cố, tái hiện cảnh kéo vợ giữa chợ.

“Kéo vợ” là phong tục truyền thống, hình thành từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Tục “kéo vợ” chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị; thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc.

Ban tổ chức giới thiệu tục “kéo vợ” tại chợ phiên góp phần giúp cho du khách hiểu, cảm nhận rõ hơn về phong tục độc đáo này, cùng chung tay bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.

Tiếp đó là chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc với các tiết mục dân ca, dân vũ về quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng non sông thống nhất của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, La Chí huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; đồng bào Thái tỉnh Sơn La và các cộng đồng dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cũng trong tháng 4/2021, Ban tổ chức tái hiện Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì để tưởng nhớ tổ tiên.

Lễ hội được phục dựng và tổ chức hàng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống tập trung nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn với Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay.

Trong lễ hội, đồng bào cũng cầu mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào dân tộc La Chí huyện Hoàng Su Phì cũng tái hiện lễ mở kho xin giống (cô ừm đò). Lễ này thường diễn ra vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm, ngày lấy thóc mang tính ước lệ, họ có thể lấy cụm thóc nếp để cúng tổ tiên, xin tổ tiên bảo vệ hồn lúa…

Những hoạt động tái hiện các nghi lễ này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng về văn hóa, du lịch của huyện Hoàng Su Phì.

Vào dịp cuối tuần, du khách có thể trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu như múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa za van.

Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia lễ tái hiện Tết thanh minh của đồng bào dân tộc Dao huyện Ba Vì, Hà Nội; chương trình dân ca dân vũ “Tây Bắc gọi mời,” “Tự hào con cháu Rồng Tiên,” “Rực rỡ sắc màu Tây Nguyên,” chương trình nghệ thuật múa rối cạn “Sắc màu Việt Nam” của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Đặc biệt trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương (21/4), tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực; văn hóa truyền thống dân tộc; tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc./.