Vì sao COP24 chọn Katowice?

BVR&MT – Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng Upper Silesia thuộc miền Nam Ba Lan, Katowice – thành phố 300.000 dân được biết đến là trung tâm khai thác than và thép của Đông Âu. Tuy nhiên, chính thành phố nhỏ bé, nhuốm màu than, nặc mùi khói này cũng là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 của Liên hợp quốc (COP24), nơi mà giảm lượng khí phát thải và phát triển năng lượng tái tạo là hai chủ đề chính được đàm phán.

Khi địa điểm được chính thức công bố hồi tháng 6 năm ngoái, một số nhà vận động môi trường đặt dấu chấm hỏi cho Liên hợp quốc và sự nghiêm túc của Hội nghị này.  Trong khi đó, chính quyền Ba Lan hồ hởi đẩy mạnh hình ảnh “cuộc Biến hóa Xanh của thủ phủ than đá của Âu Châu” với các chương trình áp dụng công nghệ xanh tại thành phố.

Nhưng liệu Katowice có thực sự cam kết thay đổi không? Hay những tấm pin năng lượng mặt trời và mô hình tàu lửa xanh, đặt ở các vị trí chiến lược tại trung tâm Hội nghị chỉ là đạo cụ để qua mắt cộng đồng quốc tế?

Đây là câu hỏi mà 30.000 người tham dự COP24 – từ nguyên thủ, đại diện bộ môi trường của các quốc gia đến đại diện tổ chức phi chính phủ và nhà báo – đều tò mò muốn biết câu trả lời.

Phát biểu trong lễ tiếp đón các nguyên thủ tại COP24 vào sáng 3/12, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: “Không phải ngẫu nhiên mà Ba Lan chọn Katowice, một thành phố có quá khứ không được đẹp đẽ như vậy. Với chủ đề hội nghị năm nay, “Changing Together” (Thay đổi cùng nhau), chúng tôi muốn nhắc nhở các đại biểu rằng, nếu cố gắng hợp tác cùng cộng đồng quốc tế, không có gì là không thể”.

Mặc dù ngài tổng thống phát biểu như vậy nhưng một số quyết định của Ba Lan trong hai ngày đầu Hội nghị lại gây ra nhiều tranh cãi.

Gian trưng bày của nước chủ nhà Ba Lan với hình ảnh minh họa của Công ty Than đá PGE (Ảnh: Mai Mai)

Để tổ chức sự kiện lớn nhất về BĐKH của LHQ, chính phủ quốc gia này đã nhận tiền tài trợ từ ba công ty liên quan đến than đá, trong đó có hai công ty điện lực lớn nhất đất nước là Tauron và PGE. Dẫn nghiên cứu của các tổ chức phi lợi nhuận, hãng tin AFP cho hay, hai công ty này đã phát thải 63% lượng khí thải nhà kính tại Ba lan từ năm 1988 đến 2015.

Các đại biểu tham dự COP24 khi đăng ký tại quầy đón tiếp đều được tặng một chiếc túi nhỏ xinh in logo sự kiện, trong đó có một chiếc mũ trùm đầu làm từ 100% polyester. Là một vật liệu tổng hợp, quá trình sản xuất polyester cần gấp đôi lượng năng lượng so với cotton và thải ra nhiều chất hoá học có thể gây ung thư vào nguồn nước và không khí.

Vậy thật sự Ba Lan có tin vào một tương lai xanh?

Gian trưng bày của Ba Lan đặt Banner Back to Green nhưng lại trưng bày mô hình than đá (Ảnh: Mai Mai)

Theo thông tin tại quầy trưng bày của Ba Lan tại Hội nghị, than đang đóng vai trò lớn trong nền kinh tế của quốc gia này, do đó việc chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo không thể một sớm một chiều.

Cũng trong ngày 3/12, Ba Lan công bố Tuyên ngôn Silesia về Chuyển tiếp công bằng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động.

Ông Kazimierz Szynol, Chủ tịch Ban điều hành Tauron nhận định về những công nhân khai mỏ: “Họ là những con người đơn giản. Suốt ngày quần quật dưới lòng đất, họ chẳng thật sự thấy được tác động BĐKH. Cái họ quan tâm nhất là kiếm được đồng tiền mua cơm”.

Bình luận này đã khiến nhiều người phẫn nộ. Ông Bert De Wei, đầu mối LHQ của Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế phát biểu: “Những lời nói của ông Szynol làm tôi cảm thấy sôi máu. Ông đổ thừa cho việc người lao động suy nghĩ đơn giản, không thấy được tác động môi trường của than đá, nhưng chính họ là những người hít phải khói bụi độc hại trong hầm mỏ”.

Trả lời phỏng vấn, ông De Wei nói thêm: “Vấn đề ở đây là chúng ta chỉ đang cho họ hai lựa chọn: một là quan tâm đến môi trường và chính sức khoẻ bản thân, hai là kiếm nhiều tiền hơn. Kéo dài thời gian chuyển tiếp sang nền kinh tế công nghệ xanh sẽ chỉ làm gia tăng nhiều bất công. Tôi muốn nghe ngành năng lượng Ba Lan giải thích vấn đề này.”

Trong khi đó, ông Szynol vẫn kiên quyểt: “Chúng ta cần 20 đến 30 năm mới có thể hoàn toàn chuyển tiếp sang năng lượng xanh.”

Hiện tại Ba Lan là một trong số ít các quốc gia Liên minh Châu Âu chưa có quyết định chính thức về việc đến khi nào sẽ hoàn toàn ngưng sử dụng than. Đa số các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu cam kết loại bỏ than trong vòng 10 năm tới.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố hồi đầu tháng 10, thế giới phải ngưng sử dụng than đá vào giữa thế kỷ này nếu không muốn để tình trạng nóng lên toàn cầu vượt quá tầm kiểm soát. Bất kể có thêm bao nhiêu dự án công nghệ cao giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải hoặc dự án trồng cây gây rừng đều không thể thay đổi sự thật này.

Như vậy, theo IPCC, không có khái niệm “thành phố than đá thân thiện với môi trường.”

Tham dự COP24, đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) đã cùng đàm phán với Ba Lan và các quốc gia khác về việc đổi mới ngành năng lượng.

Nỗi lo chính của Việt Nam là vấn đề kinh tế. Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT Phạm Văn Tấn cho hay: “Hiện nay giá điện than tại Việt Nam vẫn rẻ hơn năng lượng mặt trời, nếu đầu tư quá nhanh thì sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế nên chính phủ cần phải cân nhắc phù hợp.” Tuy nhiên, Bộ TN&MT đã có kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Chính Phủ về việc cắt giảm khí thải nhà kính, trong đó có các phương án liên quan đến điện than.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chờ kết quả đoàn đàm phán trở về từ Ba Lan trước khi đưa ra quyết định về kiến nghị.

Mai Mai (Từ Ba Lan)