Vẹt bụng cam chưa thoát vực tuyệt chủng sau hơn 2 thập kỷ bảo tồn

BVR&MT – Vẹt bụng cam là loài chim di cư nhỏ sinh sản ở phía tây nam Tasmania rồi bay về phía bắc tránh rét . Chúng suy giảm mạnh kể từ những năm 1980 nếu không phải là sớm hơn, được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, thậm chí giới khoa học cảnh báo loài này sẽ tuyệt chủng trong khoảng 3 – 5 năm.

Có rất ít thông tin về nguyên nhân thúc đẩy sự sụt giảm song vào cuối những năm 1990, các nhà khoa học đã thực hiện mô hình bảo tồn vẹt bụng cam bằng cách đề xuất các bước cần thiết để bảo vệ chúng trong quá trình di cư và chống chọi qua mùa đông.

Ảnh: DPIPWE

Việc bảo vệ loài chim nhỏ bé này khi đang di chuyển là rất khó khăn do chúng bay từ tây bắc Tasmania tới lục địa phía nam. Bởi vậy, nhóm các nhà khoa học thuộc Tasmania đã áp dụng phương thức đơn giản hơn dù còn nhiều thách thức: chăm sóc vẹt bụng cam vào mùa hè khi chúng tập trung sinh sản tại Melaleuca – khu vực nằm sâu trong vùng hoang dã – bằng cách thả thêm chim được nhân nuôi và cung cấp tổ cũng như thức ăn cho quần thể hoang dã. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố cho thấy cách thức bảo tồn tại Melaleuca tuy làm tăng số lượng chim khi rời khỏi vùng sinh sản nhưng không tác động gì đến sự sống còn của loài.

Từ năm 1995 đến 2017, tỷ lệ chim non sống sót giảm từ 51% xuống 20%, tức là 4/5 cá thể non chết trên đường di cư hoặc trong mùa đông. Trong khi đó, tỷ lệ chim trưởng thành sống sót giữ nguyên (3/5) nên quần thể vẫn giảm vì ít chim non sống sót tới lúc trưởng thành hơn.

TS. Dejan Stojanovic thuộc Đại học Quốc gia Australia, tác giả chính của nghiên cứu cho rằng kết quả này rất đáng báo động và minh họa cho điều gì có thể xảy ra nếu các chương trình phục hồi loài nguy cấp chỉ tập trung vào khía cạnh hẹp thay vì mang tính toàn diện, đặc biệt là trong trường hợp các loài chim di cư.

Theo Stojanovic, vẹt bụng cam là loài vẹt nguy cấp nhất thế giới và cũng là loài chim nguy cấp nhất Australia, trừ khi giải quyết đồng thời mọi mối đe dọa chim di cư phải đối mặt, bằng không mọi thành công bảo tồn cục bộ sẽ nhanh chóng bị xóa sổ.

“Dù hàng trăm người nỗ lực và hàng triệu đô la đổ vào dự án vẹt Tasmania thì kết quả chỉ là tạo ra được nhiều vẹt non hơn và chúng chết trên đường di cư hoặc trong mùa đông”.

TS. Shannon Troy, nhà sinh vật học động vật hoang dã kiêm tác giả nghiên cứu ái ngại cho rằng chỉ riêng việc mất 20 năm để tìm ra điều gì sẽ xảy ra khi loài vẹt di cư đã là một thách thức chứ chưa nói đến việc giải quyết toàn diện vấn đề. Tất nhiên, TS. Troy cũng đồng ý rằng cần thêm những nỗ lực bảo tồn nhắm vào mục tiêu cụ thể. Các nhà khoa học đã có danh sách rõ ràng những nguy cơ với vẹt di cư như các loài săn mồi, mất sinh cảnh vì các dự án phát triển và cháy rừng, hành trình khứ hồi gian nan qua eo biển Bass với một loài chim chỉ nặng 45g và không thể tụ hợp thành đàn lớn như trước nữa.

Troy cho biết công nghệ và kích thước của vẹt đã hạn chế khả năng theo dõi chúng trong quá trình di cư. Một cá thể chim chỉ mang được thiết bị tương đương 5% trọng lượng cơ thể nên với vẹt bụng cam, thiết bị theo dõi chạy pin không được nặng quá 2g.

Một thử nghiệm theo cách này được Sở Môi trường và Vườn thú Victoria thực hiện, gắn thiết bị theo dõi cỡ nhỏ kết nối với vệ tinh vào vẹt bụng cam nhân nuôi được thả vào tự nhiên.

Công việc này đang tiến hành nhưng đã có một số tin vui về loài vẹt ở Tasmania. Mùa xuân năm 2017 chỉ có 3 cá thể vẹt cái và 14 vẹt đực hoang dã trưởng thành nhưng vào đầu mùa sinh sản gần đây nhất, số lượng cân bằng hơn nhiều với 13 cá thể cái, 10 cá thể đực.

Tháng 4/2020, sau khi thả vẹt trưởng thành và vẹt non vào tự nhiên, số lượng di cư về phía bắc tránh rét lên tới 118 – lần đầu tiên trong cả thập kỷ qua đàn vẹt di cư vượt con số 100. Troy cho rằng kết quả là tuyệt vời nếu 40 – 50 cá thể quay về vào mùa sinh sản mới bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

Stojanovic cho hay phát triển quần thể vẹt nuôi nhốt ở Tasmania góp phần bảo đảm loài không tuyệt chủng nhưng nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Emu khẳng định các biện pháp như hiện nay không cứu được loài này.

Stojanovic nghiêng về cách “chăm chút từ ban đầu” tức nuôi nhốt chim non mới rời tổ trong khoảng một năm để chúng cứng cáp trước khi bắt đầu di cư: “Sẽ tốn thời gian để chúng ta tìm ra nên làm gì với bảo tồn nguyên vị”.

Rộng hơn, ông hy vọng các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách đang cố gắng ngăn chặn tình trạng có thêm loài đe dọa bị mất đi sẽ rút ra bài học từ tình cảnh của vẹt bụng cam.

“Có nhiều loài chim cũng trong tình cảnh như vẹt bụng cam 20 năm trước. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này là bài học cho thấy bảo tồn loài di cư không chỉ ở một nơi hay một thời điểm. Bằng không mọi thứ sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt”.

Thế Anh (Theo Guardian)