Về với miền quê của “Gà lợn nét tươi trong”

BVR&MT – Trong những lều quán đơn sơ của một phiên chợ đông vui nơi làng quê thôn dã nằm yên bình bên dòng Sông Đuống thơ mộng, những bức tranh gà lợn tươi tắn bừng trên giấy điệp được trải ra giữa tiếng cười nói đôn hậu của những bà mẹ “phơ phơ tóc bạc”, của những “nàng môi cắn chỉ quết trầu”, của “những cô hàng sén răng đen”… Đó là hình ảnh đã đi vào sâu thẳm miền ký ức của làng tranh Đông Hồ xưa mỗi độ Tết đến Xuân về.

“Bên kia Sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”

(Bên kia Sông Đuống – Hoàng Cầm)

Khung cảnh yên bình bên triền đê sông Đuống.

Tranh Đông Hồ hay còn được gọi một cách đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một loại tranh có xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước đây tranh được người làng Đông Hồ làm ra để bán chủ yếu trong dịp tết Nguyên Đán. Theo phong tục truyền thống, những người dân ở nông thôn sẽ mua tranh Đông Hồ về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ mà mua tranh mới.

Không ai biết rõ nghề làm tranh Đông Hồ xuất hiện từ thời nào, chỉ biết rằng, dòng tranh này đã từng phát triển đến mức cực thịnh vào thế kỷ thứ XVII, XVIII và kéo dài đến trước năm 1945. Thời kỳ này, tranh Đông Hồ đã trở lên hết sức phổ biến mà còn được gọi nôm na là tranh Tết và trở thành một thú vui bình dị, dân dã mỗi độ tết đến của những người dân thôn quê.

Thời đó, 17 dòng họ trong làng đều sống chủ yếu bằng nghề làm tranh. Hàng năm, cứ từ sau rằm tháng bẩy âm lịch trở đi là cả làng lại tất bật chuẩn bị tranh để bán dịp tết. Từ sân nhà, mái bếp, sân đình hay đường làng, ngõ xóm, thậm chí trên cả những triền đê bên dòng Sông Đuống, giường như bất cứ một không gian nào cũng có thể được tận dụng để phơi những bức tranh tươi màu.

Để rồi đến ngày đầu tiên của tháng Chạp hàng năm là cả làng lại dậy từ tờ mờ sáng mà hồ hởi đùm bọc, gồng gánh những bức tranh Tết rồi dắt díu, í ới gọi nhau đến ngôi chợ ven đê của làng mà ngồi bầy bán cho người dân ở khắp các vùng miền. Chợ tranh tết cũng chỉ được họp duy nhất 6 phiên trong tháng Chạp, môi phiên cách nhau 5 ngày. Vì vậy, tháng Chạp luôn được xem là tháng vất vả, bận rộn nhưng cũng nhiều niềm vui và phấn khới nhất của người dân làng Đông Hồ.

“Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu

Mua tờ tranh điệp tươi màu

Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”.

(Ca dao)

Tranh lợn đàn thể hiện ước mong về một năm mới với cuộc sống sinh sôi, nẩy nở, con đàn cháu đống đông vui, phúc lộc đầy nhà.

Sau năm 1945, tranh Đông Hồ bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn. Năm 1967, trong nỗ lực bảo tồn dòng tranh dân gian này, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) đã ký hợp đồng với Nhật Bản để lập đội sản xuất tranh. Thời gian đầu đội chỉ sản xuất cầm chừng mỗi tháng khoảng 1.000 tờ. Từ năm 1970 đến năm 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước XHCN, đây là khoảng thời gian mà tranh Đông Hồ được xuất khẩu nhiều nhất và bắt đầu được thế giới biết đến.

Tuy nhiên sau đó, do sự thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và tác động của nền kinh tế thị trường, tranh Đông Hồ không còn được ưa chuộng như trước và dần bị mai một. Những bản khắc gỗ cổ có giá trị dần bị hư hỏng, thất lạc, thậm chí bị người dân đem ra bổ làm củi đun. Một dòng tranh dân gian ẩn giấu rất nhiều những giá trị văn hóa của người Việt thực sự đang dần bị lãng quên..

Ngày nay, làng Đông Hồ vẫn là một làng quê thịnh vượng bậc nhất của miền quê Kinh Bắc, vẫn đông vui, bận rộn, tấp lập người bán người mua vào những dịp rằm tháng bẩy hay dịp tết cổ truyền. Phiên chợ Hồ được bán tranh Tết ngày ấy giờ vẫn còn, vẫn nằm yên bình dưới triền đê bên dòng Sông Đuống, vẫn đông vui, tấp lập, vẫn đầy những tiếng í ới của người bán, người mua, những thật tiếc, những bức tranh gà, lợn ẩn giấu văn hóa của người Việt thì không còn được bầy bán trong phiên chợ này nữa.

Không gian thôn dã được tái hiện trong trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ.

Những tiếng đục đẽo lách cách những bản khắc gỗ, những tờ giấy điệp được quét, những mảng mầu xanh đỏ tươi mới được in, những bức tranh Tết được phơi lên. Đó là những hình ảnh mà bạn chỉ còn được thấy trong ngôi nhà của con cháu hai người nghệ nhân duy nhất của làng tranh này còn gắn bó với nghề của cha ông mình.

Những bản khắc gỗ tranh dân gian Đông Hồ.

Chia tay làng tranh Đông Hồ, nhẹ bước lên triền đê sông Đuống để một lần nữa mà thả hồn mình bên dòng sông thơ mộng, để thấy những con trâu, con bò đang lững thững gặm cỏ trên những triền đê, những đứa trẻ đang nô nghịch hay thả diều trên những bãi bồi, để thấy bóng dáng những cô thôn nữ với nụ cười như “mùa thu tỏa nắng”.

Minh Thảo