Về với “Cột mốc văn hóa” nơi đông bắc

BVR&MT – Nằm ở phía đông nam của huyện Ba Chẽ, Di tích quốc gia miếu Ông – miếu Bà tọa lạc bên hai bờ của dòng sông Ba Chẽ có cảnh sắc sông núi hữu tình, hùng vĩ, thơ mộng.

Mô hình du lịch trên sông đang là hướng đi phù hợp của huyện Ba Chẽ trong chiến lược phát triển du lịch gắn với liên kết vùng.

Di tích miếu Ông – miếu Bà là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta, có giá trị như một “cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu đông bắc Tổ quốc.

Chúng tôi lên thuyền đi về phía thượng nguồn của sông Ba Chẽ, hiện vẫn giữ nguyên được cảnh sắc hoang sơ và thiên nhiên kỳ thú. Dòng sông trong xanh uốn lượn êm đềm, với nhiều thác ghềnh được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn, với hệ động thực vật phong phú. Chị Vi Thị Tuyến, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Ba Chẽ đi cùng chúng tôi cho biết: Địa thế của sông Ba Chẽ có nhiều nhánh nhỏ thông nhau, rất thuận lợi cho việc bày binh bố trận thủy chiến trên sông. Riêng khu vực ngã ba sông, lòng sông sâu và rộng hơn các khu vực khác, có thể đi được tàu nhỏ hoặc thuyền độc mộc.

Từ trung tâm TP Hạ Long đi về phía Móng Cái khoảng 70 km, theo quốc lộ 18, nằm cách cầu Ba Chẽ gần 1km, thuộc địa bàn xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ từ lâu di tích miếu Ông – miếu Bà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Miếu Ông.

Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ, miếu Ông thờ Đức thánh Phù Trần tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công lớn trong việc cùng quân và dân nhà Trần đánh giặc Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII. Vào tháng 2-1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên – Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đi qua sông Ba Chẽ. Đi cùng hộ giá có tướng quân Lê Bá Đức, ông không chỉ là người cầm quân giỏi, mà còn có những quyết sách đúng đắn. Nhận định được sức mạnh của quân giặc, tả tướng quân đã cho người cùng hộ giá vua và Thái Thượng Hoàng rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa. Trong một lần đánh nhau giáp lá cà với quân giặc, tướng quân Lê Bá Đức đã hy sinh. Cảm phục trước tấm lòng hy sinh vì nước, vì dân, nhân dân địa phương đã xây một ngôi miếu để thờ ông và phong là thần hoàng của làng.

Đối diện với miếu Ông ở bên kia bờ sông Ba Chẽ là miếu Bà, là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc để chữa bệnh.

Miếu Bà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đinh Thị Vỹ cho biết: Giờ đây giá trị văn hóa, lịch sử của miếu Ông – miếu Bà đã được làm rõ. Là di tích có từ thời Trần, được tôn tạo và tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử, kéo dài đến ngày nay được tôn tạo, phục dựng, trở thành di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia – là niềm tự hào lớn của người dân huyện miền núi Ba Chẽ, khẳng định vùng đất và con người từ hàng trăm năm trước đã đoàn kết, đứng lên chống giặc ngoại xâm, ghi dấu ấn lịch sử. Ngày nay miếu Ông – miếu Bà trở thành địa chỉ tín ngưỡng tâm linh linh thiêng không chỉ của đông đảo người dân thuộc 10 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ, mà còn là nơi chiêm bái của du khách thập phương mỗi khi đến với Ba Chẽ.

Hằng năm, Lễ hội miếu Ông – miếu Bà được tổ chức vào ngày 1-3 âm lịch để tỏ lòng biết ơn những người có công với nước. Nét độc đáo của Lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về để tế thần. Bên cạnh đó, có Lễ rước bài vị tả Tướng quân Lê Bá Đức, lễ mộc Dục (lễ tắm tượng), lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công với nước.

Trong khuôn khổ của Lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: Thi gói bánh chưng, đẩy gậy, chọi chim, bắt vịt, chèo thuyền. Quần thể miếu Ông – miếu Bà góp phần phát huy mạnh mẽ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; cầu cho mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc; tạo sự gắn kết cộng đồng trong khối thống nhất của tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái của dân tộc và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, cũng như nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Bên cạnh giá trị lịch sử, tâm linh, đây còn là địa điểm rất tốt để khai thác du lịch. Du khách đến đây được du ngoạn ngắm cảnh và ghé thăm điểm tham quan độc đáo bằng thuyền trên sông Ba Chẽ.

Dòng sông Ba Chẽ trong xanh, uốn lượn êm đềm.

Với di tích quốc gia miếu Ông – miếu Bà, ngoài là điểm tín ngưỡng linh thiêng, huyện Ba Chẽ đang kỳ vọng hình thành tuyến du lịch tâm linh, sinh thái dọc theo dòng sông Ba Chẽ. Trong đó, miếu Ông – miếu Bà là trung tâm nối với đảo nổi Nô Tôn Chuông cách đó 1km, làng văn hóa dân tộc Dao Sơn Hải cách đó 4km, khu đất ngập nước Đồng Rui cách đó 4km, với dải rừng ngập mặn xanh ngút ngàn, mũi Lòng Vàng thoai thoải bờ cát trắng và hệ động vật biển vô cùng phong phú.

Song để làm được điều này, Ba Chẽ còn rất nhiều việc phải làm và cần có sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Dự định về cây cầu vòm ngang sông, nối hai điểm miếu Ông – miếu Bà được đưa ra ngay từ thời điểm phục dựng di tích song đến nay chưa thực hiện được. Việc bảo vệ cảnh quan dòng sông Ba Chẽ cũng như thảm thực vật núi rừng chung quanh hai điểm di tích cần phải được quan tâm hơn, trong đó trước mắt vận động chủ rừng sản xuất trong khu vực hạn chế khai thác trắng, chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đồng thời về lâu dài, cần tính chuyện thu hồi lại diện tích rừng sản xuất và chuyển đổi thành rừng phòng hộ để duy trì cảnh quan.

Trong tương lai không xa, di tích quốc gia miếu Ông – miếu Bà chắc chắn sẽ là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi về với Quảng Ninh, về với Ba Chẽ.