Vang mãi bản hùng ca Bộ đội Biên phòng

BVR&MT – Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin yêu, ghi nhận là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ (năm 1962) – ảnh Tư liệu


Xứng danh lực lượng nòng cốt xây dựng, bảo vệ biên cương 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nước ta bị chia làm 2 miền Nam – Bắc. Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW và ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 100/TTg hợp nhất các đơn vị công an, bộ đội làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, bờ biển, giới tuyến và bảo vệ các mục tiêu nội địa thành một lực lượng có tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên gọi là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).

Ngay sau ngày thành lập, CANDVT đã chủ động triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển miền Bắc, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu quan trọng trong nội địa của 33 khu, tỉnh, thành.

Ở các địa bàn vùng sâu, vùng cao biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó khăn, công tác đảm bảo còn nhiều thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh để xây dựng đồn, trạm, vượt rừng tìm bà con về lập bản, dựng nhà, tiến hành công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân định canh, định cư, xây dựng cơ sở chính trị… trên biên giới.

CANDVT đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền địa phương tiến hành tiễu phỉ, trừ gian và phá tan âm mưu gây bạo loạn ở các địa phương, kêu gọi hàng nghìn tên phỉ ra đầu thú trở về sinh sống với gia đình, bóc gỡ hàng trăm tổ chức phản động đội lốt tôn giáo trên tuyến biển. Đập tan âm mưu dùng gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc của kẻ thù, truy bắt và tiêu diệt trên 100 toán gián điệp, biệt kích với gần 2.000 tên, thu nhiều vũ khí, điện đài.

Trên giới tuyến quân sự tạm thời dọc 102 km từ Cửa Tùng đến Cù Bai, 11 đồn CANDVT đóng giữ đã bảo vệ giới tuyến vẹn toàn, nhiều lần làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại của Mỹ – Ngụy, củng cố niềm tin cho đồng bào bờ Nam Bến Hải.

Trong khu vực nội địa, các đơn vị CANDVT đã xử lý xuất sắc nhiều tình huống nguy hiểm, quản lý và theo dõi, bắt giữ hơn 305.000 tên gián điệp, chỉ điểm của địch cài cắm lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương, các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các anh cũng đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống phá hoại miền Bắc, dũng cảm dùng súng bộ binh trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các lực lượng bắn rơi 225 chiếc; lăn lộn trong bom đạn cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước, tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự.

Trên chiến trường miền Nam, sự chiến đấu anh dũng của hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ CANDVT miền Bắc chi viện đã tạo thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam. Các anh đã sát cánh với các lực lượng vũ trang khác chiến đấu giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… Nhanh chóng tiếp quản các vùng giải phóng, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống xã hội, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào cách mạng.

Không lâu sau ngày giải phóng, CANDVT đã tăng cường quân số để triển khai thành lập 143 đồn, 23 trạm dọc các tuyến biên giới, biển đảo các tỉnh phía Nam, khép kín vành đai bảo vệ chủ quyền biên cương, biển đảo của cả nước.

Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt xây dựng “Thế trận Biên phòng toàn dân” (ảnh: TD)

Vết thương sau chiến tranh còn chưa nguôi, tiếng súng lại vang lên trên bầu trời biên giới. Vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, CANDVT vừa tổ chức và điều động tới 9 trung đoàn sang chiến đấu và giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới. Vào thời điểm này, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của lực lượng CANDVT cũng là bản hùng ca bất diệt về sự dũng cảm của những chiến sĩ quân hàm xanh quyết tâm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống trong thời bình

Sau hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 22/NQ/TW chuyển giao lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và đổi tên thành “Bộ đội Biên phòng” (BĐBP).

Hành trang của lực lượng BĐBP là truyền thống anh hùng đã được xây đắp bằng xương máu và sự cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh, tiếp tục trọng trách bảo vệ biên giới Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Quán triệt quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (Khóa VI) và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Quốc hội và Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật hết sức quan trọng như: Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh về BĐBP, Nghị định 34 về Quy chế khu vực biên giới đất liền, Nghị định 161 về Quy chế khu vực biên giới biển, Nghị định 32 về Quy chế khu vực cửa khẩu trên bộ, Quyết định số 16/HĐBT về “Ngày Biên phòng”…

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn dân, lực lượng BĐBP đã có những cơ sở chính trị, pháp lý cơ bản để tiến hành các hoạt động công tác biên phòng trong thời kỳ đổi mới.

Nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra trên biên giới, vùng biển do sự phá hoại của kẻ địch trong âm mưu “Diễn biến hòa bình”, một loạt các biện pháp nghiệp vụ, chương trình huấn luyện mới đã được Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị áp dụng đảm bảo toàn diện cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”.

BĐBP đã phát huy cao độ năng lực sáng tạo, tự lực tự cường, sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài hiện có kết hợp với bản lĩnh chuyên môn và ý chí cách mạng. Từ đó, toàn lực lượng luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý các tình huống, nhất là ứng phó có hiệu quả với các sự cố, thảm họa thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Trên tuyến biên giới đất liền, các đơn vị thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc, phát hiện và xử lý kịp thời hàng trăm vụ vi phạm về chủ quyền lãnh thổ.

Trên tuyến biển, các Hải đoàn, hải đội Biên phòng phối hợp với lực lượng  chức năng bắt giữ, xử lý nhiều vụ tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền cùng các nguồn lợi quốc gia trên biển.

Tại khu vực cửa khẩu, BĐBP đã triển khai có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, kết nối Cổng thông tin một cửa của Bộ Quốc phòng với Cổng thông tin một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN, ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ mới vào kiểm soát cửa khẩu, rút ngắn thời gian làm thủ tục, thúc đẩy lưu thông biên giới, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Do tính chất nhiệm vụ đặc biệt của mình, BĐBP luôn quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng đối với nước láng giềng. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều hoạt động quan trọng như công tác phân giới cắm mốc trên cả ba tuyến biên giới, ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự, hợp tác biên phòng với các nước láng giềng… Một loạt các hoạt động đối ngoại ân tình đã được tổ chức hiệu quả như: kết nghĩa “Đồn – Trạm hữu nghị, Biên giới bình yên” cho 180 cặp đơn vị; tổ chức các chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới”; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” cho 207 cặp cụm dân cư…

 Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Bộ đội Biên phòng Lào phối hợp tuần tra, đấu tranh phòng chống tội phạm khu vực biên giới (ảnh: Phạm Cường)

Cùng với đó, BĐBP đã phá tan nhiều âm mưu của các tổ chức phản động, bắt giữ nhiều đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia và các đối tượng tội phạm xâm phạm trật tự xã hội khác.

Tính từ năm 1998 tới nay, BBĐP đã xác lập hơn 1.600 chuyên án, xây dựng gần 7.000 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ và xử lý hơn gần 100.000 vụ với trên 150.000 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, mua bán người, tiền giả và các loại tội phạm khác. Xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa tang vật sung công quỹ nhà nước trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng…

Riêng về ma túy, BĐBP đã phá gần 120.000 vụ với trên 200.000 đối tượng, thu giữ hàng chục tấn heroin, cần sa, ma túy dạng đá, hàng trăm triệu viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí quân dụng, vật liệu nổ…

Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự đồng lòng ủng hộ, yêu mến của Nhân dân, lực lượng BĐBP đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử và xây đắp nên truyền thống vẻ vang của mình.

Những trang sử vẻ vang, chiến công oanh liệt của lực lượng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Toàn lực lượng đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 01 Huân chương Sao Vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân chương Độc lập, 03 Huân chương Quân công, 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 02 Huân chương Lao động hạng Ba; 156 lượt tập thể, 67 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn tập thể và cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý khác…

Trung tướng Đỗ Danh Vượng – Chính ủy Bộ đội Biên phòng khẳng định: Những phần thưởng cao quý đó là giá trị tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hôm nay vững vàng kiên định nơi tuyến đầu Tổ quốc, cùng chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân biên giới đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.