Vận hành nhà máy nhiệt điện bằng nước thải- giấc mơ hão huyền tại Ấn Độ

BVR&MTt – Chính sách sử dụng nước thải đã qua xử lý để vận hành các nhà máy điện đốt than của chính phủ Ấn Độ được cho là không khả thi về mặt kinh tế, và cũng sẽ không giải quyết được xung đột trong sử dụng nước.

Các nhà máy nhiệt điện hiện đang chiếm dụng nguồn nước sử dụng cho các mục đích khác như trong nông nghiệp và sinh hoạt. Ảnh: Thethirdpole.net

Một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ vào nguồn nước ngọt đã đình trệ ngay trong giai đoạn khởi đầu. Theo một báo cáo mới đây của tổ chức Greenpeace tại Ấn Độ, chính sách khuyến khích một số nhà máy sử dụng nước thải được chính phủ nước này đưa ra vào năm ngoái là không khả thi và không kinh tế.

Đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2016 đã buộc một số nhà máy nhiệt điện phải đóng cửa, gây thiếu hụt  gần 11 tỷ kWH điện,tương đương một khoản thu khoảng 560 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2016. Chính phủ Ấn Độ vì vậy tháng 1 năm 2016 đã buộc các nhà máy nhiệt điện trong phạm vi 50 km từ trạm xử lý nước thải phải sử dụng nước thải trong các hoạt động vận hành.

Theo Greenpeace, chỉ có 8% các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ có đủ lượng nước khi áp dụng phương pháp này. Khoảng 5% nhà máy có thể đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước thông qua sử dụng nước thải đã qua xử lý, nhưng 87% nhà máy điện than ở Ấn Độ có công suất khoảng 200 gigawatt vẫn không thể thực hiện đúng chính sách vì không thể tiếp cận được nguồn nước thải đã xử lý. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ chỉ có thể sử dụng chưa đến 11% tổng lượng nước thải đã qua xử lý.

Thiếu hụt nguồn nước

Ấn Độ chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống, trong đó nhiệt điện đóng góp phần lớn trong tổng sản lượng điện trong nước. Thiếu nước cung cấp cho các nhà máy điện ảnh hưởng đến sản lượng điện, do đó Ấn Độ dự kiến đạt tới khoảng 56% sản lượng điện từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2027.

Các nhà máy nhiệt điện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính chínhdẫn đến biến đổi khí hậu. 80% tổng lượng nước tiêu dùngđược sử dụng tại các nhà máy này để chạy tuabin và làm mát. Với tỷ trọng 3,5 lít nước/1 đơn vị điện, các nhà máy điện than trên toàn Ấn Độ tiêu thụ 4,6 tỷ m3 nước ngọt mỗi năm, tương đương lượng nước đáp ứng nhu cầu cơ bản cho 250 triệu người.

Vị trí là điều kiện then chốt

Sử dụng nước thải đã qua xử lý thay cho nguồn nước thông thường hoặc nước muối vốn có thể ăn mòn tuabin hoặc phát triển sinh vật làm tắc nghẽn máy móc có thể là một cách để ngành nhiệt điện giảm tiêu thụ nguồn nước ngọt quý giá. Thế nhưng, các cơ sở xử lý nước thải chủ yếu được xây dựng ở các khu vực thành thị, cách xa các nhà máy nhiệt điện. Ví dụ, các bang Chhattisgarh, Odisha và Madhya Pradesh có tổng công suất điện than là 77 gigawatt, nhưng lượng nước thải đã qua xử lý chỉ đủ để sản xuất ra 1,5 gigawatts.

Báo cáo cho rằng, ngoài nguồn vốn khổng lồ cần thiết để đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, các nhà máy nhiệt điện có thể sử dụng nước thải sẽ phải chịu tăng chi phí nguồn nước lên ít nhất 300% -một gánh nặng tài chính sẽ được chuyển sang cho khách hàng. Lấy nước thải đã xử lý khỏi hệ sinh thái địa phương cũng gây tổn hại đến dòng chảy hạ lưu.

Ngoài ra, cũng theo Greenpeace, việc sử dụng nước thải để đáp ứng các nhu cầu làm mát của các nhà máy nhiệt điện sẽ không giải quyết được xung đột về nguồn nước giữa các nhà máy nhiệt điện, nông dân và cộng đồng đô thị.

Tháng 3 năm 2016, nhà máy nhiệt điện Raichur có công suất 1,700 MW tại lưu vực sông Krishna đã phải đóng cửa nhiều ngày do thiếu hụt nguồn nước. Nông dân trong khu vực và quận Mahbubnagar lân cận đã phản đối khi chi phí nước cung cấp cho nhà máy bằng với chi phí nước uống cho người dân vùng hạ lưu. Ảnh hưởng của mực nước thấp càng rõ rệt khi Tổng công ty Nhiệt điện Quốc gia (NTPC), công ty sản xuất điện lớn nhất Ấn Độ cho dừng hoạt động của nhà máy Farakka 2.100 megawatt thuộc phía đông Tây Bengal. Các mực nước từ ống dẫn Farakka (bắt nguồn từ Ganga) đến nhà máy điện đã giảm xuống đến mức nhà máy này buộc phải đóng cửa đơn vị 500 megawatt thứ sáu, đơn vị duy nhất còn duy trì sản xuất điện cho đến đầu tháng 3.

Báo cáo kết luận, chuyển đổi sử dụng từ nước ngọt sang nước thải đã qua xử lý sẽ không làm giảm tác động của các nhà máy nhiệt điện đối với sự khan hiếm nước của Ấn Độ. Thay vào đó, giải pháp hữu hiệu hơn đối với cuộc xung đột nguồn nước là loại bỏ các nhà máy điện cũ, không hiệu quả, tiêu thụ nhiều nước nhất và phát thải nhiều chất gây ô nhiễm nhất, đồng thời ngừng cấp giấy phép cho các nhà máy điện than mới.

Hồng Anh/ Theo thethirdpole.net