Vận dụng luật tục trong phòng, chống dịch ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên

BVR&MT – Từ xa xưa, trong quá trình sinh sống, cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đã từng bị nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như tả, đậu mùa, bạch hầu… làm nhiều người chết, khiến nhiều làng tiêu điều, xơ xác, người sống sót phải bỏ làng đi tìm nơi ở khác.

Ông Y Tôn Niê (trái), buôn Gram A2, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Ðắk Lắk) chốt chặn tuyến đường liên buôn để thực hiện mô hình “thôn giữ lấy thôn, buôn giữ lấy buôn”. Ảnh TTXVN

Cũng chính vì vậy, từ xa xưa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giữ an toàn cho dân làng, những người có hiểu biết cao trong cộng đồng các buôn (làng – cách gọi của người Ê Ðê), bon (làng – cách gọi của người Mnông) đã xây dựng các quy ước để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh. Những quy ước đó và các quy ước về những vấn đề khác của cộng đồng người Ê Ðê, Mnông, sau này được các nhà nghiên cứu về xã hội học, văn hóa dân gian sưu tầm, tập hợp trong các cuốn sách Luật tục Ê Ðê, Luật tục Mnông.

Ðọc hai cuốn Luật tục Ê Ðê, Mnông (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996 và 1998), chúng tôi thấy từ xa xưa, các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã biết phòng chống dịch bằng biện pháp “cách ly” và rất quyết liệt, nghiêm khắc đối với những ai không chấp hành các quy định về “cách ly” của buôn, bon, làm lây lan dịch bệnh.

Ðiều 84 của Luật tục Ê Ðê quy định cấm đi lại trong buôn khi có dịch bệnh như sau: “Những năm hạn hán, nóng nực, ông Ðu, ông Ðie (các vị thần linh tối cao – chú thích của người viết) gây ra bệnh hoạn, chết chóc. Vì vậy, làng phải cữ (?) để năm tháng được trở lại yên lành. Nhiệm vụ cữ là của mọi người dân. Kẻ nào khi làng vào cữ, đường đã cắm dấu cấm đi, đường đã trồng cây chắn lại mà vẫn cứ vào làng thì kẻ ấy là có tội. Nếu ông trời và các thần linh lại nổi giận, gây ra bệnh hoạn, chết chóc thì hắn phải chịu trách nhiệm. Người ta đã phải giết bao nhiêu lợn, bao nhiêu gà để cúng, thì hắn phải đền lại bấy nhiêu lợn, bấy nhiêu gà. Có bao nhiêu ché rượu đã phải lấy ra để cúng, hắn phải đền lại đủ bấy nhiêu. Nếu xảy ra có người ốm không khỏi được, cứ nằm li bì trên chiếu, trong chăn, thì hắn cũng là kẻ phải chịu trách nhiệm. Nếu người đó chết thì hắn phải trả giá mạng người. Còn nếu người đó chỉ bị thương tật thì hắn phải chịu phạt một khoản bồi thường”. Ðiều 21 của Luật tục Mnông quy định: “Bon mình có bệnh lây truyền/ Mình không được vào bon người khác/ Nếu ta vào bon họ/ Tức là truyền bệnh cho bon đó/ Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm/ Ta không được vào bon của họ/ Nếu ta vào bon của họ/ Tức là ta rước bệnh về bon mình/ Mang bệnh về đầu độc bon làng/… Vì nó mang bệnh truyền nhiễm/ Nên bon làng phải bị chết dịch/ Nên bon làng phải bị chết toi/ Nên bon làng phải chết nhiều/ Nó đâu có đến mỗi bon/ Nó đâu có đến mỗi làng/ Ðến đời con đền cũng không xong/ Ðến đời cháu đền cũng không xong/ Trước mắt phải có vịt tẩy/ Trước mắt phải có chó tẩy/ Trước mắt phải có lợn cúng/ Trước mắt phải có ché cúng/ Ngọn chuối khô nó sẽ chịu sau/ Ngọn mía khô nó sẽ chịu sau”.

Qua các điều luật nêu trên, ta thấy rõ các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên từ lâu đời đã biết “cách ly” khi xảy ra dịch bệnh. Ai không chấp hành sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt, tùy theo hậu quả gây ra, có thể rất nặng, mất rất nhiều tài sản để đền bù cho dân làng tổ chức các lễ cúng. Với người Ê Ðê là “Người ta đã phải giết bao nhiêu lợn, bao nhiêu gà để cúng, thì hắn phải đền lại bấy nhiêu lợn, bấy nhiêu gà. Có bao nhiêu ché rượu đã phải lấy ra để cúng, hắn phải đền lại đủ bấy nhiêu”. Với người Mnông là “Trước mắt phải có vịt tẩy/ Trước mắt phải có chó tẩy/ Trước mắt phải có lợn cúng…”. Không chỉ phải đền bù chi phí tiêu tốn cho các lễ cúng mà còn phải đền bù chi phí cho chăm sóc người bệnh, các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do người bị bệnh không đi làm được, dẫn tới “ngọn chuối khô”, “ngọn mía khô”… Không chỉ phải đền bù cho một người mà phải đền bù cho nhiều người trong buôn, bon. Thậm chí, người làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt mức cao nhất là “trả giá bằng mạng người”.

Như chúng ta đã biết: Luật tục là sản phẩm ý thức của xã hội cổ truyền – xã hội ở thời kỳ tiền giai cấp, tiền nhà nước. Luật tục có vai trò giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng buôn, bon, như quan hệ về sở hữu đất đai, tài sản, quan hệ về hôn nhân, về ứng xử với thủ lĩnh, với người già, trẻ em, về môi trường… Theo các nhà nghiên cứu xã hội học và văn hóa dân gian, Luật tục có giá trị nhiều mặt, không chỉ là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu xã hội tộc người, văn hóa tộc người mà còn là di sản văn hóa độc đáo, là tri thức dân gian về quản lý cộng đồng… Ðối với đồng bào Tây Nguyên xưa (và cả hiện nay), Luật tục chính là điều răn dạy của cha ông, là “tài sản” cần phải gìn giữ, phải tin và làm theo; vì thế ở nhiều nơi hiện nay đồng bào (nhất là những người cao tuổi) vẫn trân trọng gìn giữ nhiều quy ước, nhiều phong tục tập quán có trong các Luật tục và có “niềm tin nội tâm” vào các quy ước, các phong tục đó.

Trong tình hình một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, như Ðắk Lắk, Ðắk Nông… đang có nhiều đồng bào Ê Ðê, Mnông bị nhiễm Covid-19, do một số thanh niên đi làm ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Ðông Nam Bộ, khi trở về buôn, bon đã không thực hiện cách ly theo quy định hiện hành, vẫn đi lại giao tiếp, khiến hàng trăm người bị nhiễm bệnh; các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng ở Tây Nguyên nên vận dụng các điều nêu trên của luật tục để tuyên truyền trong vùng đồng bào thiểu số, đặc biệt với những người trẻ tuổi, giúp họ biết ngày xưa cha ông họ cũng đã có những quy định chặt chẽ và rất nghiêm khắc trong phòng chống dịch. Ðiều này sẽ giúp họ “thấm hơn”, dễ tiếp nhận hơn những quy định hiện nay về phòng chống dịch; từ đó, sẽ có ý thức tự giác thực hiện tốt hơn.