Bài 1: Vai trò của Rừng đối với công tác Thủy lợi

BVR&MT – Rừng có 2 giá trị rất lớn là Kinh tế và Môi trường, không chỉ vậy Rừng còn có giá trị về văn hóa tâm linh và tín ngưỡng trong tiềm thức lâu đời của con người Việt Nam. Nói đến Kinh tế Rừng là nói giá trị thu được từ gỗ, sản phẩm ngoài gỗ; môi trường rừng là nói đến lượng oxy khổng lồ, khả năng điều hòa khí hậu, nơi cư ngụ các loài; bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học góp phần phòng, chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính; Văn hóa Rừng là vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và lịch sử truyền thống gắn bó lâu đời – máu thịt của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Nhưng, đặc biệt chúng ta lại rất ít nghe nói “Thủy lợi Rừng” hay “Giá trị Thủy lợi của Rừng”. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tổng quan về giá trị Thủy lợi của Cây xanh và Rừng.

Bài liên quan:

Bài 2: Tác dụng thủy lợi của rừng ven biển, ven cửa sông lớn

“Thủy lợi là một thuật ngữ, tên gọi truyền thống của việc nghiên cứu khoa học công nghệ, đánh giá, khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai”. Nguồn nước trong thiên nhiên vốn vô thưởng, vô phạt. Nó tạo vô vàn lợi ích cho con người, nhưng cũng gây biết bao thiệt hại. Thủy lợi là ngành khoa học nghiên cứu về “Nước” nhằm tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu tác hại của nó. Từ nhận thức đó, có thể tiếp cận về giá trị thủy lợi của cây xanh như sau:

Thứ nhất: Cây xanh với hệ thống cành lá xum xuê làm giảm lực rơi của hạt mưa, giảm tổn thương bề mặt của đất; giảm cường độ nắng chiếu xuống đất, giảm lượng nước xuống mặt đất, giảm cường độ bốc hơi của nước trong đất.

Thứ hai: Cây xanh với bộ rể cắm sâu vào đất, giúp nước thấm sâu hơn khi mưa, hút nước từ dưới sâu lên khi nắng, tạo hệ lưới giằng đất, tích trữ nước.

Thứ ba: Cây xanh với bộ gốc, bộ rể nổi, giúp giảm tốc dòng chảy mặt, tăng nước ngầm, giảm xói mòn – rửa trôi đất.

Thứ tư: Tầng thảm mục do cây xanh tạo ra lớp bì phủ mặt đất có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi đất, làm chậm dòng chảy mặt, tăng thấm nước vào đất.

Bốn lợi ích trên cộng hưởng nhau làm cho ẩm độ đất, nhiệt độ đất và không khí được ổn định theo cục bộ lãnh thổ cây xanh.

Rừng là hệ sinh thái gồm những tập quần xã cây xanh trên lãnh địa rộng lớn, bốn lợi ích trên đã cộng hưởng giá trị lên gấp bội, tạo nên giá trị thủy lợi của Rừng.

Với tiếp cận này thì khái niệm “Giá trị thủy lợi của rừng” không nằm trọn trong bố cục khái niệm “giá trị môi trường rừng” hay “Giá trị Kinh tế Rừng”. Nói “giá trị Thủy lợi của Rừng” phải nói đến khả năng chứa nước, điều tiết nước của rừng, tăng lợi ích, giảm tác hại của nước.

Rừng- Hồ chứa nước khổng lồ

Rừng là kho chứa nước khổng lồ, mắt thường không nhìn thấy. Khoa học Thủy văn Rừng đã chứng minh vai trò điều hòa khí hậu, thủy văn của rừng là vô cùng to lớn, Kết quả quan trắc cho thấy nơi có rừng thì lượng mưa tăng lên từ 6-30% (tùy loại rừng). Theo nghiên cứu của các nhà tài nguyên nước ở các khu vực rừng rậm có thảm mục và lớp mùn khá dày, khả năng lưu giữ lượng nước mưa rất lớn. Tại đây lượng nước mưa rơi xuống chảy ra khỏi rừng chỉ có từ 3% – 34%. Rừng trở thành hồ chứa nước tự nhiên, có tác dụng trữ nước vào mùa mưa và là nguồn cung cấp nước cho sông suối về mùa khô. Trần Huệ Truyền đã nghiên cứu khả năng giữ nước của Rừng đầu nguồn hồ Tùng Hoa- Côn Minh (Trung Quốc) cho thấy với diện tích rừng đầu nguồn 60.000ha, độ tàn che 30% hàng năm giữ được lượng nước khoảng 8,3 triệu m3. Một số nghiên cứu khoa học về Thủy văn Rừng của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cũng khẳng định khả năng chứa nước của rừng là vô cùng lớn, dung tích chứa nước của rừng phụ thuộc vào cấu thành loài và độ tuổi. Ví dụ: Dung tích chứa nước của rừng Cao su dao động 3.830 – 4.021m3/ha, độ tuổi 5 có dung tích chứa trung bình cao nhất nhưng hệ số biến động lớn nhất là 50,4%; Dung tích chứa nước của rừng keo tai tượng tuổi 5 chỉ đạt 2.622 m3/ha và 2.822 m3/ha ở tuổi 10, hệ số biến động trung bình là 26,3%; Dung tích chứa nước của rừng tự nhiên dao động từ 4.322 – 5.742 m3/ha, hệ số biến động trung bình  từ 19,5 – 22,4%.

Không còn hoài nghi khi nói “Rừng là hồ chứa nước khổng lồ” và các Nhà khoa học đã định lượng được dung tích chứa theo đơn vị diện tích.

Rừng là Nhà máy nước khổng lồ

Hình ảnh minh họa.

Nói nhà máy nước dường như mọi người đều nghĩ đến khả năng sản xuất nước để cung cấp cho các hoạt động hữu ích của xã hội.

Hồ chứa khổng lồ không giữ nước vĩnh viễn mà nó điều tiết qua dòng chảy mặt của khe, suối, sông, hồ cung cho vùng hạ lưu về mùa khô. Song song với cung nước dòng chảy mặt, hồ chứa khổng lồ còn cung nước cho hạ lưu qua hệ thống kênh, mạnh ngầm để ổn định độ ẩm đất.

Rừng là trạm bơm sương khổng lồ, hàng ngày bơm vào không khí lượng hơi nước vô cùng lớn, giúp không khí được ôn hòa. Theo kết quả nghiên cứu của 03 Nhà khoa học của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam thì cường độ thoát hơi nước trung bình của rừng cao su là 2,31g/kg lá/phút, rừng keo tai tượng là 2,49g/kg lá/phút. Theo một nghiên cứu khác thì “rừng cây lá rộng, trung bình 100kg lá cây mổi năm bốc hơi từ 78.900 đến 82.520 kg nước”.

Rừng – Tấm chắn xanh khổng lồ

Rừng với hệ thống tán, gốc, rể và thảm mục khổng lồ làm giảm sức công phá của mưa, giảm tốc dòng chảy, tăng kết cấu đất, nhờ đó làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, ngăn lũ, giảm lũ, giảm bảo thông qua giảm lượng nước chảy mặt, tăng dung tích chứa tự nhiên và điều hòa khí hậu.

Rừng có tác dụng chắn sóng vùng ven biển, rừng chắn gió, chắn cát bay. Rừng còn có tác dụng hạn chế sạt lỡ đất ở những vùng có độ dốc đất trên 10%. Từ lâu con người đã biết sử dụng rừng làm “bức tường xanh” chắn sóng, bảo vệ đê biển, đê cửa sông, ứng phó nước biển dâng – biến đổi khí hậu. Rừng ngăn lũ, ổn định độ ẩm đảm bảo độ bền của các con đập; Rừng làm tăng lượng mưa tự nhiên, điều tiết nước, ổn định nguồn nước cho các hồ chứa và đập nước nhân tạo.

Có thể nói “Rừng là công trình Thủy lợi xanh” có vai trò vô cùng to lớn trong tích trữ, điều tiết nước, ngăn lũ – bảo, giảm lũ – bảo và hạn hán; Giảm xói mòn, sạt lở đất và nhiều giá trị thủy lợi khác. Rừng là công trình bảo vệ công trình thủy lợi

Không còn do dự khi chúng ta đặt cụm từ “Thủy lợi Rừng” bên cạnh các khái niệm “Thủy văn Rừng”; “Kinh tế rừng”; “Môi trường Rừng”; “Văn hóa Rừng” đã được nhiều Nhà khoa học quan tâm trong mấy thập kỷ qua và có lẽ cũng không nên ngần ngại khi đặt cụm từ “Giá trị Thủy lợi Rừng” bên cạnh khái niệm “Giá trị Kinh tế Rừng” mà các Nhà kinh tế đã rất quan tâm.

Rừng – Tấm chắn xanh khổng lồ.

Từ cách tiếp cận này chúng ta dễ dàng nhận thấy “Giá trị Thủy lợi của Rừng” vô cùng to lớn, nó không còn đơn thuần chỉ hỗ trợ phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm hay giá trị “Môi trường Rừng”. Giá trị Thủy lợi Rừng trong tương lai sẻ định lượng được bằng “Tiền” bởi hàm số toán học đa biến (G = ax+ by+ cf +….).

Ngược lại các công trình Thủy lợi nhân tạo được xây dựng trong lãnh thổ Rừng cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của Rừng, giúp cho Rừng vốn dĩ là “Vàng” được nâng cấp lên “Vàng chất lượng cao”. Rừng và công tác thủy lợi có mối liên hệ mật thiết, tương tác, quện hòa nhau.

Như vậy Rừng không còn là mối quan tâm của riêng các Nhà Lâm nghiệp mà đã trở thành mối quan tâm của các Nhà Khí tượng thủy văn, Tài nguyên, Nông nghiệp, Kinh tế và sẽ sớm trở thành mối quan tâm tích cực của các Nhà Thủy lợi học…

Th.s Phan Cảnh Thành (Phó Trưởng Đoàn Quy hoạch NN&TL Nghệ An)