Vải sợi thiên nhiên và nghề dệt truyền thống, hướng đi mới của thời trang bền vững

BVR&MT – Ngày 24/4 vừa qua, hưởng ứng Tuần lễ thời trang bền vững (Fashion Revolution Week), Empower Women Asia (EWA) đã phối hợp cùng Fashion Revolution Vietnam tổ chức buổi workshop “Thời trang bền vững với nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng”. Đây cũng là sự kiện lan tỏa giá trị bản sắc dân tộc mà các sản phẩm dệt thổ cẩm mang lại, cũng như đem đến hiểu biết về ngành thời trang bền vững đến với mọi người.

Với sự góp mặt của ba diễn giả đến từ ba vai trò: nhà cung ứng vải dệt truyền thống, nghệ nhân nghề dệt truyền thống và nhà thiết kế thời trang, buổi workshop đã có những góc nhìn riêng về thời trang cùng những tiềm năng bền vững của nghề dệt truyền thống.

Toàn cảnh sự kiện.

Chị Vũ Thị Liễu – nhà cung ứng sợi dứa độc nhất vô nhị, là diễn giả đầu tiên, đã  chia sẻ  với phóng viên Baỏ vệ rừng và Môi trường tại workshop về việc cung ứng các nguyên liệu tự nhiên bảo vệ môi trường hướng đến thời trang bền vững.

“Dứa là một loại trái cây nông sản nổi tiếng tại Việt Nam, được trồng với diện tích hơn 40.000 hecta. Và để thu hoạch được 1 quả dứa, người nông dân đã bỏ đi từ 2 – 3kg lá dứa. Trong quá trình xử lý, người nông dân sẽ bỏ, phay, phơi chúng và đốt đi hàng triệu tấn lá dứa mỗi năm. Điều này vừa lãng phí vừa nguy hại tới môi trường” – Chị Liễu chia sẻ thêm về lý do nghiên cứu sợi dứa và các loại sợi thiên nhiên khác của mình.

Khán giả được tận tay sờ và cảm nhận chất liệu vải thô từ sợi lá dứa xé mảnh.

Chị Liễu cho biết thêm cần phải trải qua nhiều công đoạn mới có thể ra được thành phẩm là những miếng vải thô, thậm chí là miếng da có tính ứng dụng tương đương như những loại vải công nghiệp và da thú hiện nay, hoàn toàn không gây hại đến môi trường.

Chị Liễu chia sẻ về sản phẩm sợi dứa của mình.
Sợi dứa được tách từ lá dứa hoàn toàn tự nhiên.

Ngay sau những chia sẻ từ chị Liễu, nghệ nhân Sầm Thị Tình, người đồng bào dân tộc Thái, ở Quỳ Châu, Nghệ An cũng có những nhìn nhận sâu sắc, thực tế về tình hình của ngành dệt và cuộc sống của người phụ nữ dân tộc thiểu số bên khung cửi.

Đối với chị Tình, những món đồ thổ cẩm không chỉ là những món đồ thông thường mà còn là văn hoá và là niềm tự hào của đồng bào dân tộc người Thái nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Những sản phẩm dệt may truyền thống tinh tế và bền vững của chị đã vươn tới nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Úc, Nhật,…

Nghệ nhân Sầm Thị Tình.

Ngoài những nhìn nhận về ngành dệt thổ cẩm, chị còn chia sẻ cách nhuộm màu vải không hóa chất của người Thái. Khán giả được đích thân trải nghiệm công đoạn nhuộm vải dưới sự hướng dẫn của chị Tình, những tấm khăn lụa sau khi nhuộm tùy theo cách buộc vải khác nhau sẽ cho ra nhiều mẫu hoa văn khác nhau đẹp mắt.

Nguyên liệu để cho ra những loại màu khác nhau.
Tại buổi workshop, 2 màu được sử dụng để nhuộm vải là hồng (từ cây Pháng, theo tiếng dân tộc Thái) và vàng (từ cây Hoàng Đằng).
Sản phẩm sau khi hoàn thiện công đoạn nhuộm.

Cuối buổi workshop, Nhà thiết kế Ngọc Anh – Founder của thương hiệu La Phạm đã mang tới một màn trình diễn những bộ trang phục bền vững, với các hoạ tiết được lấy cảm hứng từ sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào miền cao. Đây cũng chính là mini collection – “Invitation of Nature” mà thương hiệu La Phạm, thương hiệu Việt Nam duy nhất được góp mặt trong sự kiện UN – DRESS sustainable Fashion show tại Thuỵ Sĩ vừa qua.

“Xuất phát là nhà Khoa học về Hoá môi trường, tôi luôn đau đáu về những tác động của thời trang tới môi trường và chất lượng cuộc sống. Cuối cùng, sau 3 năm, tôi đã tìm thấy nguồn cảm hứng đến từ những chất liệu dân tộc. Và sau đó, tôi theo đuổi các thiết kế dựa trên các chất liệu truyền thống và được làm thủ công, tự nhiên hoàn toàn nhưng giá trị của hiện đại và công nghệ tiên tiến vẫn được giữ nguyên.” – NTK Ngọc Anh cho biết.

Workshop “Thời trang bền vững với nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng” là một sự kiện đánh một dấu mốc quan trọng cho sự nhận thức về môi trường và thời trang. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ xu hướng thời trang nhanh sang thời trang bền vững. Bên cạnh đó những sản phẩm vẫn giữ được đầy đủ tính chất: thân thiện với môi trường, giữ gìn văn hoá và mẫu mã phù hợp thời đại.

Buổi workshop được tổ chức bởi EWA (Empower Woman Asia), một dự án của KIBV (Keep It Beautiful Vietnam) với mục đích hỗ trợ các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt Việt Nam. Đồng thời, dự án mong muốn lan tỏa những giá trị bền vững, giá trị bản sắc dân tộc mà các sản phẩm dệt thổ cẩm mang lại, cũng như đem đến hiểu biết về ngành thời trang bền vững đến với tất cả mọi người.

Qua sự kiện lần này, EWA sẽ tiếp tục giữ vững định hướng phát triển để trở thành nền tảng để quảng bá sợi vải và sản phẩm dệt may bền vững với chất lượng tốt cùng các giá trị môi trường và xã hội.

Hà Vy