“Vaccine là vũ khí lợi hại, là biện pháp phòng COVID-19 bền vững nhất”

BVR&MT – Các chuyên gia cho rằng, cùng với việc thực hiện 5K, vaccine là vũ khí lợi hại và vô cùng quan trọng trong việc phòng chống COVID-19.

Tính đến 16h ngày 11/5, tổng cộng 887.705 người đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh thành trên cả nước. Đây là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Trước việc xảy ra một số phản vệ của vaccine phòng COVID-19 vừa qua, nhiều người tỏ ra lo ngại về tính an toàn của vaccine này. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định vaccine là vũ khí lợi hại và vô cùng quan trọng trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng.

Theo PGS Thiểm, hiện nay chúng ta cũng đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng chống nhưng dịch COVID-19 vẫn cứ xảy ra. Vì vậy, việc sử dụng vaccine là vô cùng cần thiết. “Dù rằng, vaccine cũng có những tác dụng phụ, đặc biệt nguy hiểm nhất trong phản vệ của vaccine là sốc phản vệ. Nhưng vấn đề tăng cường tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam là vô cùng cần thiết”- PGS Thiểm cho biết.

Ông Thiểm cũng đã dẫn chứng đối với các nước như Mỹ, Anh, sau khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên tỷ lệ lớn người dân thì dịch bệnh ở các quốc gia này đã kéo giảm đi rất nhiều.

PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của vaccine COVID-19, PGS Thiểm cho biết, hiện trên thế giới cũng có rất nhiều loại vaccine đã được cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp có điều kiện. Sau khi tiêm, những biểu hiện như sốt, mệt mỏi, đau cơ… là những phản ứng vẫn thường gặp trong rất nhiều loại vaccine chứ không riêng vaccine COVID-19. Những tác dụng phụ này thường chỉ kéo dài vài ba ngày và đa số là tự khỏi, không cần điều trị, tuy nhiên cũng có những trường hợp cần phải điều trị.

Điều đáng quan ngại nhất là sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong sau khi tiêm, nhưng theo PGS Thiểm, với những vaccine COVID-19 mà đang sử dụng, tỷ lệ sốc phản vệ là rất nhỏ. PGS Thiểm phân tích, bản chất vaccine là một chất đưa vào cơ thể, kích thích cơ thể để sinh ra kháng thể phòng bệnh. Khi đó, tùy theo cơ địa của từng người, có người sẽ có 1 tỷ lệ rất nhỏ phản vệ vaccine và đặc biệt là sốc phản vệ.

Khi quyết định đưa một vaccine vào sử dụng thì bao giờ cũng phải đánh giá lợi ích và nguy cơ. Nếu lợi ích tiêm vaccine COVID-19 mang lại cao hơn nguy cơ thì chúng ta nên dùng vaccine để phòng bệnh cho người dân.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để phòng dịch COVID-19 một cách bền vững nhất thì vẫn phải tiêm vaccine. Khi 60-70% dân số một quốc gia được tiêm vaccine, chúng ta sẽ đạt miễn dịch trong cộng đồng. Việt Nam có 100 triệu dân thì phải tiêm được 60-70 triệu người.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

PGS Phu cho rằng, để đối phó với dịch COVID-19, Việt Nam vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc “ngăn chặn phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả”. Chiến dịch này đã giúp Việt Nam thành công thời gian qua. Về phòng bệnh, chúng ta phải tuân thủ biện pháp 5K và tiêm vaccine.

PGS Thiểm cũng cho biết, hiện nay chúng ta đã sử dụng gần hết số liều vaccine đã có. Số vaccine này mới được sử dụng chủ yếu cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Con số này vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo được miễn dịch cộng đồng.

“Trong thời gian tới, Chính phủ cũng như Bộ Y tế có thể nhập được thêm nhiều vaccine COVID-19 và vấn đề nghiên cứu sản xuất trong nước cũng phải tăng cường để có đủ vaccine cung cấp đảm bảo việc tiêm phòng cho người dân”- PGS Thiểm cho biết.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho rằng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tìm kiếm, đàm phán mua để có nguồn vaccine sớm nhất, nhiều nhất tiêm cho người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nguồn vaccine rất khan hiếm nên ít nhất từ giờ đến cuối năm 2021 chúng ta chưa thể có vaccine tiêm đại trà cho người dân, nên chưa thể có tác động của vaccine vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể./.