Ủy ban Dân tộc: Góp ý hoàn thiện Chuyên đề “Chủ nghĩa dân tộc trong tình hình thế giới hiện nay – Vấn đề đặt ra cho Việt Nam”

BVR&MT – Sáng ngày 19/5, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc, đã diễn ra Hội thảo Chuyên đề “Chủ nghĩa dân tộc trong tình hình thế giới hiện nay – Vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Trưởng Ban soạn thảo Chuyên đề chủ trì Hội thảo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủyban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Soạn thảo; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông; Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Hùng; các thành viên Ban Soạn thảo và một số chuyên gia, nhà khoa học.

Thực hiện Kế hoạch triển khai các chuyên đề phục vụ nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Ủy ban Dân tộc được phân công chủ trì thực hiện chuyên đề “ Chủ nghĩa dân tộc trong tình hình thế giới hiện nay – Vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Để triển khai nhiệm vụ trên, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Ban Soạn thảo Chuyên đề do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh là Trưởng Ban.

Với tinh thần công phu, nghiêm túc, cầu thị, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện dự thảo Đề cương chuyên đề gửi Hội đồng Lý luận Trung ương theo kế hoạch. Trên cơ sở góp ý, định hướng của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Chuyên đề.

Theo đó, vấn đề lý luận – thực tiễn cốt lõi của Chuyên đề là sự tác động của Chủ nghĩa dân tộc trên thế giới đối với vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, đưa ra những kiến nghị chính sách mang tính quan điểm, định hướng phát triển, dự báo và cảnh báo những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong quá trình thực hiện và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các nhà khoa học phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các thành viên dự họp, các nhà khoa học đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo Ban Soạn thảo đối với dự thảo Chuyên đề và cho rằng, đây là Chuyên đề có nhiều ý nghĩa. Để hoàn thiện Chuyên đề, các đại biểu đề nghị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung về mặt nội hàm, nội dung, bố cục Chuyên đề ngắn gọn, xúc tích, logic, luận cứ luận chứng khoa học, chính xác. Trong đó, cần làm rõ thêm bối cảnh; đánh giá tác động ảnh hưởng; những vấn đề lý luận về chủ nghĩa dân tộc hiện nay trên thế giới có nét tương đồng với Việt Nam; đề xuất các nhóm giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, làm cơ sở cho việc xây dựng được chiến lược lâu dài, tầm nhìn quốc gia về chính sách, những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đánh giá cao sự cố gắng của Ban Soạn thảo và cho rằng, trong thời gian ngắn, nhưng Ban Soạn thảo đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, định hướng của Hội đồng Lý luận Trung ương, tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Chuyên đề đáp ứng về mặt thời lượng, bố cục, tiến độ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp tục tiếp thu tối đa ý kiến tại Hội thảo, chắt lọc trên tinh thần bảo đảm thời lượng, logic, cô đọng, xúc tích, có tính khái quát cao; có dẫn dắt, nhận diện khái niệm chuẩn, có minh chứng cụ thể. Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh giải pháp về tư tưởng, thể chế, chính sách, tuyên truyền vận động, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xã hội số…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng yêu cầu Ban Soạn thảo tích tực lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, nhằm huy động sự tham gia, sức mạnh tổng hợp để hoàn thiện Chuyên đề một cách tốt nhất.