USAID dừng tài trợ cho khu bảo tồn lớn nhất Campuchia

BVR&MT – Ngày 17/ 6, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnôm Pênh thông báo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ chấm dứt hỗ trợ cho các cơ quan chính phủ Campuchia thông qua dự án USAID Greening Prey Lang vốn tập trung bảo vệ Khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang lớn nhất Campuchia.

Quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá của Hoa Kỳ về việc chính phủ Campuchia đã không kiểm soát và trừng phạt các hoạt động khai thác gỗ trái phép, thậm chí tiếp tục im lặng và nhắm mục tiêu vào các cộng đồng địa phương cùng đối tác xã hội dân sự của họ – những người lo ngại chính đáng về việc mất tài nguyên thiên nhiên của họ.

Prey Lang là nơi sinh sống của nhiều loài đang bị đe dọa, chẳng hạn như loài cầy mực (Arctictis binturong) – loài được IUCN liệt kê trong nhóm Sẽ nguy cấp, trong đó, mối đe dọa chính của chúng là mất môi trường sống do nạn khai thác gỗ. (Ảnh: Rhett Butler / Mongabay)

Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết sự hỗ trợ sẽ được “chuyển hướng sang khối xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các nỗ lực của địa phương”. Hiện chưa rõ liệu có bất kỳ hỗ trợ nào trong số này có tập trung vào Khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang nữa hay không. Đại diện USAID Campuchia cho hay nội dung chi tiết về việc chuyển hướng nguồn vốn vẫn đang được hoàn thiện và “chưa thể đưa ra bình luận vào lúc này”.

Cũng theo tuyên bố của Đại sứ quán, kể từ năm 2016, dù USAID hỗ trợ tăng cường tuần tra kiểm lâm, đào tạo thực thi pháp luật và phát triển hệ thống quản lý khu bảo tồn quốc gia nhưng Prey Lang vẫn mất khoảng 38.000 ha rừng, tương đương gần 9% diện tích rừng che phủ.

Phản bác lại cáo buộc từ Hoa Kỳ, Neth Pheaktra – phát ngôn viên của Bộ Môi trường Campuchia khẳng định việc ngừng tài trợ từ USAID là do Bộ đã đạt đủ năng lực để bảo vệ Prey Lang mà không có sự tài trợ của nước ngoài.

“Chúng tôi tiếp tục bảo vệ rừng như bình thường bằng các phương tiện của mình và sẽ huy động các nguồn lực cần thiết cho việc bảo tồn”, ông nói và cho biết thêm rằng các cáo buộc về các hoạt động khai thác gỗ quy mô lớn đã được dẹp bỏ và chỉ có tội phạm rừng quy mô nhỏ vẫn tồn tại. “Điều này dựa trên quan sát của Bộ và thực tế”, Pheaktra nói.

Nhận định về dữ liệu phá rừng tại Prey Lang, Dimitris Argyriou, nhà quản lý dự án và dữ liệu liên kết với Đại học Copenhagen cho biết đánh giá của Đại sứ quán Hoa Kỳ ít nhiều phù hợp với dữ liệu vệ tinh của Đại học Maryland được hiển thị trên nền tảng Global Forest Watch – theo đó, có khoảng 37.000 ha, tương đương 8,9% diện tích cây che phủ của Prey Lang đã bị mất trong 5 năm qua.

Ida Theilade, Giáo sư tại Đại học Copenhagen cho biết dữ liệu từ Đại học Maryland được hiển thị trên Global Forest Watch cho thấy nạn phá rừng nguyên sinh ở Prey Lang tăng đột biến vào năm 2016. Sau khi giảm dần trong hai năm sau đó, tỷ lệ mất rừng dường như đang gia tăng một lần nữa trong những năm gần đây, với năm 2020 ghi nhận mất rừng nhiều thứ hai kể từ khi bắt đầu đo lường vào năm 2002.

Trong số các mối đe dọa đối với khu vực này, Theilade đề cập đến hoạt động xây dựng các đường dây điện chạy qua Prey Lang khiến một số khu vực bị phát quang và bị lợi dụng khai thác gỗ trái phép. Bên cạnh đó, hoạt động của một mỏ vàng do người Trung Quốc quản lý gần Prey Lang cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy môi trường đối với người dân trong khu vực.

Mạng lưới cộng đồng Prey Lang (PLCN), tổ chức cộng đồng cấp cơ sở chuyên bảo vệ rừng cũng khẳng định nạn phá rừng đặc biệt gia tăng mạnh trong những tháng gần đây trên cả bốn tỉnh Prey Lang bao phủ. Tuy nhiên, đại diện PLCN lo ngại quyết định tài trợ của USAID nếu chuyển hướng sang khu vực tư nhân thì nhiều khả năng sẽ không thể cứu được rừng.

Frédéric Bourdier, nhà nghiên cứu của Đại học Paris Sorbonne cũng bày tỏ lo lắng trước thông báo ngày 8/6 của USAID rằng họ sẽ tham gia vào một dự án REDD + ở tỉnh Preah Vihear, một trong bốn tỉnh có Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Prey Lang.

“Dự án REDD+ do USAID công bố sẽ không bao gồm toàn bộ Prey Lang mà là một khu vực quan trọng bao gồm 51 làng. Các dự án REDD+ ở Campuchia, kể từ khi bắt đầu đã không thuyết phục người dân địa phương vì họ thường là cư dân sống trong rừng và trở thành nạn nhân nhiều hơn là người được hưởng lợi”, ông nói.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ