Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu nước và môi trường

BVR&MT – Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường ở Việt Nam.

Bà Najat Mokhtar (Phó Tổng Giám đốc IAEA) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cắt băng khánh thành trung tâm.

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA – VINATOM về nước và môi trường. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và là trung tâm thứ ba IAEA hợp tác thành lập tại khu vực châu Á.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết, Trung tâm được thành lập nhằm thúc đẩy kết quả nghiên cứu ứng dụng dựa trên cơ sở nghiên cứu năng lực và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Sau khi thành lập IAEA sẽ hỗ trợ, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng nhiều hơn.

Trước mắt Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực môi trường và nước – hai lĩnh vực IAEA nhận thấy Việt Nam có nhiều vấn đề môi trường cần được xử lý vì là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị tại IAEA sẽ được ứng dụng để đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.

Phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc khẳng định: Sự hỗ trợ của IAEA đối với Việt Nam trong nhiều năm qua hết sức hiệu quả, tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trung tâm Hợp tác IAEA – VINATOM về nước và môi trường là kết quả của thỏa thuận hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN) và IAEA ký ngày 29/11/2018, tại Thủ đô Viên (Áo) nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ nhằm bảo vệ môi trường, duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Trung tâm Hợp tác IAEA – VINATOM về nước và môi trường góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường ở Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa IAEA và Việt Nam để thúc đẩy hiệu quả việc áp dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới gió mùa ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và là quốc gia đang phát triển với nhiều vấn đề về môi trường. Vì vậy, những kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị được ứng dụng tại Việt Nam sẽ nâng cao năng lực đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm hay xử lý môi trường tại Việt Nam.

Trung tâm Hợp tác IAEA – VINATOM sẽ là đầu mối trao đổi khoa học, hợp tác nghiên cứu và nâng cao năng lực (con người và thiết bị cơ sở vật chất) giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và IAEA. Các hình thức hoạt động của Trung tâm là đồng tổ chức nghiên cứu; đồng tổ chức lớp học, hội nghị, hội thảo; đồng tài trợ cho các hoạt động xúc tiến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường tại Việt Nam cũng như cả khu vực Đông Nam Á.

Trong năm 2019, Trung tâm tập trung nâng cao năng lực thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và đồng tài trợ với IAEA (nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị nghiên cứu hiện đại hiện chưa phổ biến ở Việt Nam trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc).

Đặc biệt, vấn đề truy xuất nguồn gốc trong thương mại, lương thực – thực phẩm hiện nay đang là thách thức lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Việc phát triển các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường cũng sẽ dễ dàng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác liên quan đến truy xuất nguồn gốc…