Ứng dụng khoa học – công nghệ trong phòng, chống thiên tai

BVR&MT – Nhiều năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai trên địa bàn cả nước đã góp phần giảm thiệt hại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, từng bước xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai. Tuy nhiên, Ðây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp cần triển khai trên quy mô lớn, đòi hỏi sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học.

Kè phá sóng lắp đặt tại Cà Mau.

Theo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018 thiên tai đã làm chết và mất tích 224 người, gây thiệt hại gần 20 nghìn tỷ đồng. Riêng tại các tỉnh Nam Bộ, thiên tai gây thiệt hại ước khoảng 117 tỷ đồng; phần lớn là do sụp, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ đầu nguồn sông Cửu Long. Trong những tháng đầu năm 2019, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai, làm hàng chục người bị chết và mất tích, gần 20 nghìn nhà bị sập đổ, hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hàng trăm tỷ đồng. Những năm tới, nước ta có khả năng phải đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai gây ra, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ… trong công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được triển khai trong thời gian qua, thông qua các mô hình số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, sạt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data… để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh. Ðã có nhiều nghiên cứu về công nghệ nhằm phòng, chống thiên tai như hệ thống kè chống sạt lở, đê chắn sóng, các công trình chống xói lở ven biển, ven sông…

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế, nhưng nhiều năm qua, Chính phủ luôn nỗ lực bảo đảm cung cấp khoảng 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta chưa có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại. Thậm chí, như việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cũng chưa thật sự có một hệ thống nào với công nghệ hiện đại được đưa vào sử dụng. Tại các nước châu Âu, hệ thống đê di động, lắp ghép đã có từ hơn 50 năm trước. Còn ở Việt Nam, việc hàn khẩu đê sông Hồng tại các cửa khẩu của Hà Nội, hay nâng cao trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018, vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công, sử dụng các bao tải cát…

Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai đã giúp giảm được thiệt hại rõ rệt, phù hợp chủ trương chuyển từ khắc phục hậu quả sang đẩy mạnh phòng, chống. Ðiểm rõ nét nhất là công tác dự báo. Dự báo có tốt, chính xác thì chỉ đạo điều hành mới chuẩn, mới hạn chế được thiệt hại. Thời gian qua, nhiều công nghệ về phòng, chống thiên tai được áp dụng như: Cảnh báo sớm động đất, sóng thần; ứng dụng đồng hóa dữ liệu vệ tinh nghiên cứu và dự báo mưa lớn bằng mô hình số; cài đặt phần mềm phục vụ nghiên cứu xói lở sông Vàm Nao; áp dụng đa phương tiện xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tai biến lũ quét chi tiết đến cấp xã ở vùng núi.

Cụ thể, hệ thống đã được sử dụng để cảnh báo sớm lũ quét cho huyện Thuận Châu (Sơn La), huyện Cao Phong (Hòa Bình) và huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng khác như cảnh báo sớm cháy rừng, một số loại sâu bệnh chính và vạch kế hoạch phun thuốc trừ sâu.

Đáng chú ý, ngoài phương thức chuyển tải thông tin truyền thống bằng văn bản giấy, email, thời gian qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã ứng dụng đa dạng các loại hình truyền thông, mạng xã hội để tương tác với người dùng. Trang Facebook “Thông tin phòng, chống thiên tai” thu hút được gần 15 nghìn người thích và gần 17 nghìn người theo dõi chỉ sau một năm ra mắt. Ðây được coi là trang mạng xã hội có mức độ tương tác rất nhanh với người sử dụng. Tính trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, trong một tuần đã có 250 nghìn người tiếp cận với thông tin truyền tải. Tỷ lệ phản hồi đạt mức hơn 90% trong vòng một giờ. Ðối với những loại hình thiên tai phức tạp, diễn biến khó lường, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông gửi tin nhắn trực tiếp cho người dân để cảnh báo. Thông qua đó, người dân biết được diễn biến thời tiết và chủ động trong công tác ứng phó.