Ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo tồn nguồn gen quý

BVR&MT – Vườn Quốc gia Hoàng Liên “sở hữu” nguồn gen động – thực vật phong phú, quý hiếm bậc nhất Việt Nam, trong đó nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Với trách nhiệm và sự nhiệt huyết, những kỹ sư của đơn vị đã miệt mài nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp khoa học để bảo tồn nguồn gen quý cho mai sau.

Chăm sóc cây giống trong phòng nuôi cấy mô.

Đỗ quyên được coi là nữ hoàng của các loài hoa trên dãy Hoàng Liên Sơn, vì vậy có thời gian bị săn lùng, khai thác trái phép với số lượng lớn. Trong khi đó, để một cây đỗ quyên sinh trưởng tự nhiên và cho hoa đẹp phải mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm.

Trăn trở với nguồn gen đặc hữu quý hiếm, năm 2004, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Vườn) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài đỗ quyên bằng hạt và giâm cành tại núi Hoàng Liên”. Trên cơ sở đó, đơn vị đã điều tra và công bố 30 loài đỗ quyên phân bố tại Vườn, xây dựng được quy trình nhân giống 6 loài đỗ quyên bằng phương pháp gieo hạt và giâm hom. Cùng với đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên phối hợp xuất bản cuốn sách “Đa dạng hoa đỗ quyên Vườn Quốc gia Hoàng Liên’’. Nhờ kết quả nghiên cứu của đề tài, đến nay, nhiều loài đỗ quyên quý hiếm đã được nhân giống thành công để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bị săn lùng khai thác tận diệt hơn cả đỗ quyên chính là phong lan, nhất là khi nhu cầu chơi phong lan ngày càng tăng cao. Làm thế nào để giảm tình trạng khai thác phong lan tự nhiên, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu thương mại là bài toán đặt ra với những cán bộ của Vườn. Đề tài “Thử nghiệm sản xuất một số giống hoa lan Sa Pa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” được triển khai thành công đã mở ra hướng giải bài toán trên.

Việc áp dụng công nghệ cao trong nhân giống phong lan đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm chuyên biệt. Chính vì vậy, năm 2005, phòng nuôi cấy mô tế bào đã được đầu tư đưa vào hoạt động và đã xây dựng được 7 quy trình nhân giống lan tự nhiên. Tiếp nối thành công đó, Vườn đã xây dựng vườn lan giống gốc nhằm bảo tồn, phát triển và quảng bá đa dạng sinh học, sự phong phú của hoa lan với hàng trăm loài khác nhau, được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, Vườn chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, cung cấp nhiều giống lan quý cho người dân sản xuất. Đến nay, đơn vị cung cấp hơn 10 vạn cây giống lan nuôi cấy mô khỏe mạnh, sạch bệnh cho 300 hộ dân các xã vùng lõi và vùng đệm trồng để có thêm thu nhập.

Khó nhất trong nhân giống, nuôi trồng, bảo tồn nguồn gen thực vật phải kể đến là các loài cây lá kim quý hiếm trên núi cao, như vân sam, thiết sam, bách xanh, hoàng đàn, thông đỏ. Đây là những loài cây mà khả năng tự nhân giống ngoài môi trường thiên nhiên vô cùng hạn chế. Tuy nhiên, với sự kiên trì thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau trong thời gian dài, cán bộ, kỹ sư của Vườn đã thành công trong việc tìm ra đặc tính nhân giống tự nhiên của mỗi loài. Đến nay, hơn 500 cây thiết sam nhân giống thành công bằng phương pháp gieo hạt, 5.000 cây hoàng đàn, 5.000 cây bách xanh nhân giống từ hom và hạt, góp phần phục hồi những cánh rừng lá kim quý hiếm trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học công nghệ cao vào nhân giống, bảo tồn, phát triển những nguồn gen thực vật quý còn được Vườn mở rộng với những loài cây dược liệu, như sâm Ngọc Linh, tam thất bắc, tam thất hoang, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai… Các hoạt động này góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn cho cán bộ của Vườn và chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học khi tự sản xuất, không khai thác trong tự nhiên.

Nguồn gen động vật của Vườn cũng vô cùng quý hiếm với nhiều loài đặc hữu riêng có. Qua nghiên cứu đa dạng loài bướm tại Vườn đã ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ; tiến hành nhân nuôi được 2 loài bướm quý hiếm là bướm vua và bướm phượng; thu thập một số dẫn liệu về sinh học và sinh thái của một số loài bướm tiêu bản ở núi Hoàng Liên. Đến nay, Vườn đã thu thập được 1.000 mẫu tiêu bản bướm, xây dựng 500 hộp mẫu bướm trưng bày tại nhà Bảo tàng đa dạng sinh học.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng đã thu thập được một số dẫn liệu về sinh học và sinh thái một số loài bướm tiêu biểu được ghi nhận lần đầu cho Việt Nam. Đây cũng là địa điểm rất quan trọng để bảo tồn các loài bướm đặc hữu của Việt Nam chỉ có ở núi Hoàng Liên như Papilio polla, Papilio krishna và nhiều loài khác thuộc họ bướm xanh Lycaenidae như Chrysozephyrus spp và Neozephyrus spp.

Bên cạnh đó, Vườn cũng hợp tác với Hội Động vật Luân Đôn (Anh) và Bảo tàng Quốc gia Úc về nghiên cứu bò sát lưỡng cư. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên khẳng định: Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng lõi, vùng đệm tham gia bảo vệ động vật hoang dã; chú trọng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thông qua thế hệ trẻ, lan tỏa tới cộng đồng ý thức cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.

Việc làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của Vườn Quốc gia Hoàng Liên có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng Vườn thành bảo tàng sống – nơi lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm cho Việt Nam.