Ứng dụng công nghệ CFMS trong giám sát, theo dõi bảo vệ rừng tại Việt Nam

BVR&MT – Bảo vệ phát triển rừng là một trong những vấn đề quan trọng, đặc biệt,  trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Việc theo dõi giám sát rừng không chỉ là sự vào cuộc của người dân, cơ quan quản lý mà còn có sự đóng góp tích cực của khoa học công nghệ – một bước tiến mới trong theo dõi diễn biến rừng cộng đồng.

Ngày 21/10/2021, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững và Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ rừng và Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi họp chia sẻ “Giới thiệu kết quả thực hiện FCIM và CFMS trong giám sát biến động rừng, xem xét cân nhắc khả năng áp dụng vào chương trình giảm phát thải”. Tại đầu cầu Hà Nội, tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ông Phạm Văn Điền; ông Nguyễn Phú Hùng, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững và ông Vũ Văn Thái, chuyên gia Công ty Cung cấp phần mềm Tuần tra rừng dựa vào cộng đồng… Ngoài ra, còn có sự góp mặt của một số lãnh đạo Chi cục và Hạt Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị tại 6 điểm cầu trực tuyến.

Ông Nguyễn Phú Hùng đưa ra con số thống kê về diện tích đất rừng năm 2020 tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch từ năm 2020 là 16,2 triệu ha tương đương với 44% tổng diện tích đất của Việt Nam và chia làm 3 loại rừng: rừng đặc dụng (2,2 triệu ha), rừng phòng hộ (5,5 triệu ha), rừng sản xuất (8,5 triệu ha). Độ che phủ rừng tăng 14,9% sau 30 năm, năm 1990 đạt 27,20% đến năm 2020 đạt 42,1% tương đương 14,677,215 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên che phủ là 14,677,215 ha và diện tích che phủ rừng trồng là 4,398,030 ha.

Theo dõi diễn biến rừng hàng năm thể hiện ở hai khía cạnh là diện tích và chất lượng, được thực hiện bởi cán bộ kiểm lâm địa phương, là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của ngành lâm nghiệp. Kết quả kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc hoạch định chủ trương, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác nay còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi đặc thù địa bàn, đối tượng kiểm kê, theo dõi quá lớn. Tình trạng cập nhật chậm, thiếu cặn kẽ về giá trị số liệu xảy ra là điều khá phổ biến. Để hỗ trợ, khắc phục tình trạng này, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) đã triển khai và ứng dụng công cụ phục vụ công tác giám sát rừng trên công nghệ tuần tra rừng dựa vào cộng đồng (CFMS). “Phần mềm được ứng dụng thông qua 2 nền tảng là Wed (Phát hiện mất rừng; xuất file Vector và chuyển vào thiết bị di động, GPS kiểm tra, xác minh ngoài hiện trường, sau đó, xem kết quả xác minh thông tin của cán bộ hiện trường) và ứng dụng qua điện thoại di động (Xem dữ liệu mất rừng; thu thập thông tin, xác minh thông tin mất rừng thông qua hình ảnh, thông tin xác minh, vị trí, khoanh vùng và ngoài ra, còn có thể đồng bộ dữ liệu xác minh thông tin mất rừng gửi vệ máy chủ)”, ông Vũ Văn Thái, đại diện cho đơn vị cung cấp CFMS cho biết.

Chuyên Gia CFMS, ông Vũ Văn Thái chia sẻ về phần mềm.

Hiện công nghệ này đã được triển khai thí điểm tại một số tỉnh thành có diện tích rừng tương đối lớn như Quảng Trị. Chia sẻ ý kiến về việc sử dụng hệ thống phần mềm CFMS giám sát các điểm biến động rừng thông qua Tổ công tác giám sát độc lập biến động rừng (FCIM) tại 3 xã thực hiện dự án của huyện Đăkrông, ông Lê Phước (Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Đăkrông) cho biết: “Tổ tuần tra công tác rừng bắt đầu ứng dụng công nghệ CFMS từ tháng 11/ 2020, sau gần 1 năm triển khai, chúng tôi thấy rằng, các tổ tuần tra rừng của FCIM cấp thôn có thể tự chủ động trong việc sử dụng công nghệ, máy GPS để xác minh các điểm biến động rừng tại hiện trường, đây là điểm mới dự án mang lại. So với trước đây, các tổ tuần tra rừng phần lớn khi đi tuần tra phải phụ thuộc vào lực lượng kiểm lâm địa bàn.  Giờ đây, CFMS cùng với công nghệ 4.0 , người dân có thể dễ tiếp cận và sử dụng ứng dụng CFMS trên máy điện thoại thông minh của họ”. Ngoài ra, ông Phước còn đánh giá thêm về ưu điểm của CFMS mang lại như, hệ thống CFMS được dự án cập nhật các bản đồ/ điểm biến động rừng không mong muốn với tần suất dầy 2 lần/ tháng. Sau khi xử lí bản đồ thì sử dụng được trên máy điện thoại có hệ thống điều hành androi. Tổ công tác giám sát độc lập biến động rừng các cấp có thể sử dụng hệ thống CFMS để cập nhật dữ liệu mất rừng, các thông tin xác minh mất rừng ngoài hiện trường của 12 tổ tuấn tra rừng tại địa phương.

Bên cạnh đó, trong phần báo cáo kết quả ứng dụng CFMS, ông Nguyễn Văn Đạt (Chánh Văn phòng HĐND, UBND Huyện Đăkrông) cũng cho biết đây là một phương pháp tiếp cận mới trên địa bàn huyện, được thực hiện trên cơ sở sự tham gia theo dõi, giám sát của người dân, lấy người dân làm trung tâm, gắn trách nhiệm của cộng đồng dân cư với công tác bảo vệ rừng, đồng thời, tăng thu nhập cho các cộng đồng tham gia. Không những vậy, kết quả theo dõi biến động rừng thông qua hệ thống CFMS đã phản ánh đúng thực trạng diễn biến của rừng tại các địa phương triển khai thực hiện dự án, là cơ sở quan trọng để UBND huyện và các cơ quan chuyên môn làm căn cứ để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng…

Bên cạnh những ưu điểm ứng dụng CFMS trong công tác hỗ trợ giám sát rừng mang lại còn tồn tại một số nhược điểm trong quá trình sử dụng bộc lộ rõ. Thể hiện, từ tháng 9 đến tháng 2 hằng năm do thời tiết xấu nên khả năng phát hiện đầy đủ các biến động của thời tiết hệ thống CFMS còn hạn chế. Các vụ việc phát hiện đa số đã chậm. Ví dụ, chỉ phát hiện gốc cây gỗ khi đã có dấu hiệu khai thác. Từ đó, chỉ các giá trị thống kê, không có giá trị phát hiện, ngăn ngừa. Ảnh các điểm biến động gửi về cho 12 tổ tuần tra chủ yếu nằm ở những khu vực khai thác rừng trồng, thời gian cung cấp ảnh chậm so với hiện trường vì nhiều điểm khai thác rừng trồng đã lâu mới được phía dự án cập nhật. Những biến động nhỏ như khai thác gõ, chặt tỉa trong rừng thường được các tổ/ nhóm phát hiện thông qua hình thức tuần tra thông thường, chứ hệ thống không phát hiện được.

Cùng quan điểm, ông Sơn cũng chỉ ra những nhược điểm cần được khắc phục. Ông cho hay, một số thành viên trong 4 tổ tuần tra có trình độ nhận thức còn hạn chế, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ chưa được thuần thục, còn gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận. Kinh phí phụ cấp cho các tổ tuần tra hàng tháng thấp nên việc động viên các tổ đi tuần đều đặn theo tháng đối diện với khó khăn. Diện tích quản lý của các tổ bảo vệ rừng rộng lớn, lực lượng tham gia lại mỏng (bao gồm cả cộng đồng dân cư và lực lượng chức năng)… Tất cả những hạn chế nếu trên đã ảnh hưởng đến kết quả của dự án.

Cuối buổi chia sẻ, ông Phạm Văn Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đồng chủ trì cuộc họp cho rằng những thông tin chia sẻ là căn cứ để dự án tiếp tục triển khai, phát huy tính thực tiễn, tính ứng dụng để duy trì các kết quả theo hướng bền vững. Dự án nếu có thể xem xét để mở rộng phạm vi xử lý ảnh trong các điều kiện thời tiết khác nhau thì sẽ hiệu quả hơn nữa. CFMS nếu được sử dụng rộng rãi sẽ là công cụ rất hữu hiệu và khả thi cho công tác giám sát rừng do cộng đồng thực hiện, kết quả thông tin thu thập được đáp ứng được yêu cầu trong việc giám sát rừng dựa vào cộng đồng.

Quỳnh Anh