Úc xem xét ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi, sừng tê giác

BVR&MT – Các mặt hàng làm từ ngà voi và sừng tê giác hiện đang được phép buôn bán hợp pháp và phổ biến tại Úc. Tuy nhiên, Quốc hội Úc đang cân nhắc thực hiện lệnh cấm buôn bán ngà voi và sừng tê giác tại thị trường nội địa, giống như Anh. Đầu tháng 7, phiên điều trần đã được tổ chức tại hai thành phố Sydney và Melbourne, song hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều quanh vấn đề này.

Quy định về buôn bán ngà voi ít được chú ý

Ngà voi là mặt hàng phổ biến và có giá trị lớn tại Úc, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật cổ, có nguồn gốc từ châu Á và những chiến lợi phẩm săn bắn. Ở quy mô nhỏ hơn là những đồ gia dụng có những chi tiết nhỏ làm từ ngà như dao kéo, đồ trang sức và nhạc cụ. Hầu hết chúng được bán đấu giá, công khai, nhất là tại các cửa hàng đồ cổ và đại lý cũ.

Sản phẩm ngà voi được bày bán tại các cửa hàng đồ cổ và đại lý cũ (Nguồn: Love of Wildlife)

Sừng tê giác thì ít phổ biến hơn nhưng từ năm 2001, có 70 mặt hàng sừng tê đã được bán đấu giá, trong đó, hai chén rượu của Trung Quốc từ thế kỷ 17 làm từ sừng tê giác được bán với giá 183.000 USD mỗi chén, một chiếc sừng tê giác đen lớn và ấn tượng có niên đại từ giữa thế kỷ 20 được bán với giá 156.000 USD.

Ở Úc, các sản phẩm ngà voi và sừng tê nhập khẩu vào sau năm 1975 – khi Công ước CITES có hiệu lực – được tính là các sản phẩm phạm pháp. Ngược lại, các sản phẩm ngà voi và sừng tê giác từ trước năm 1975 sẽ được giao dịch quốc tế nếu chứng minh được nguồn gốc nhưng vẫn phải chịu sự ràng buộc của của Luật chủ sở hữu. Nếu giao dịch trong nội địa Úc, những sản phẩm có từ trước năm 1975 sẽ không gặp bất cứ cản trở pháp lý nào để phải chứng minh độ tuổi hay nguồn gốc.

Trong khi đó, các thành viên Hiệp hội đại lý đồ cổ và nghệ thuật Úc có một quy tắc tự nguyện cấm buôn bán ngà voi sau năm 1947. Hội này cho rằng các thành viên của họ có kinh nghiệm trong việc xác định các mặt hàng được sản xuất trước năm 1947.

Tuy nhiên, chuyên gia đấu giá Leonard Joel cho rằng việc tuân thủ theo quy tắc này rất hiếm, ngà voi vẫn đều đặn được bán mỗi tuần tại các phiên đấu giá trên khắp nước Úc mà ít hoặc gần như không quan tâm tới các quy định.

Khuyến khích Úc tiếp bước Anh

Đầu năm 2018, nước Anh ban hành một luật mới được cho là khắt khe nhất thế giới về buôn bán ngà voi. Theo đó, quốc gia này sẽ cấm buôn bán tất cả các loại ngà voi và hạn chế đối với các sản phẩm có “giá trị nghệ thuật, văn hóa hoặc lịch sử” có trước năm 1918.

Luật mới tại Anh cũng chỉ cho phép bán các mặt hàng có hàm lượng ngà voi rất nhỏ: 10% đối với các tác phẩm nghệ thuật và 20% đối với nhạc cụ. Riêng các bảo tàng tại Anh được miễn theo luật mới.

Nhiều nhóm phúc lợi động vật đã kêu gọi Ủy ban Nghị viện Úc xem xét một luật lệ tương tự tại Úc. Hiệp hội đấu giá và định giá Úc cũng ủng hộ điều này. Ông Jane Raffan, Phó Chủ tịch Hiệp hội khẳng định “điều này là hoàn toàn khả thi đối với Úc, nơi thị trường rất nhỏ hơn so với Anh”.

Không chỉ riêng Anh mà hiện Mỹ, Pháp, Trung Quốc cũng đã đóng cửa thị trường ngà voi và sừng tê giác trong nước. Một số nhóm bảo vệ động vật đã cung cấp bằng chứng cho Quốc hội thấy rằng thương mại ngà voi ngầm đang rất phát triển tại Úc.

Bà Donalea Patman, Tổ chức For the Love of Wildlife khẳng định nạn buôn bán trái phép ngà voi tại Úc đang diễn ra tràn lan. Tổ chức của bà đã đưa ra bằng chứng cho thấy cách người ta dùng dầu hạnh nhân và trà để nhuộm màu ngà voi giúp cho nó có vẻ cổ hơn.

Theo số liệu từ Bộ Nội Vụ Úc, đã có hơn 300 mặt hàng ngà voi và 26 mặt hàng sừng tê giác bị tịch thu từ năm 2010 đến năm 2016 bao gồm vụ bắt giữ 110kg ngà voi từ Malawi vào năm 2015. Tuy nhiên, các tổ chức bảo tồn cho rằng việc giám sát hàng hóa đến Úc vẫn còn nhiều thiếu sót và chắc chắn một lượng lớn ngà voi và sừng đã được chuyển vào nước họ.

Bà Patman nhận định với tình trạng hiện tại của những loài mang tính biểu tượng này thì việc thiếu ý chí chính trị trên toàn cầu là một điều đáng kinh ngạc. Hầu hết mọi người đều bị sốc khi chưa có một lệnh cấm toàn cầu được ban bố.

Một số nhà bán lẻ thì cho rằng lệnh cấm áp dụng đối với toàn bộ doanh thu là dễ dàng nhất. Thị trường trực tuyến eBay đã cấm bán toàn bộ các mặt hàng từ ngà voi vào năm 2009 và đây cũng là một quyết định mang tính hiệu quả. “Việc xác định ngà voi bất hợp pháp rất phức tạp và tốn thời gian khiến việc thực hiện lệnh cấm một phần không khả thi “, đại diện eBay cho biết.

Tuy vậy, Hiệp hội đại lý đồ cổ và nghệ thuật Úc lo ngại lệnh cấm hoàn toàn sẽ tạo ra thị trường chợ đen.

Chủ tịch Hiệp hội Dawn Davis nhận định không có buôn bán ngà voi và sừng bất hợp pháp vào lúc này nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu tất cả các hoạt động mua bán đều bị cấm. Bà nói: “Nó sẽ phản tác dụng, khi không quản lý được thị trường buôn bán ngầm và một lệnh cấm hoàn toàn sẽ là “thảm họa” và “không công bằng” đối với các đại lý đồ cổ”.

Toàn bộ cuộc tranh cãi không chỉ xoay quanh việc ngừng săn trộm và buôn bán ngà voi. “Các tác phẩm nghệ thuật bằng ngà có quyền hợp pháp thương mại, khi chất lượng tác phẩm nghệ thuật được đề cao hơn là nguyên liệu làm nên tác phẩm đó.”

Ngược với bà Davis, nhà đấu giá Leonard Joel từng là thương nhân buôn bán ngà voi lớn nhất nước Úc nhưng từ năm 2016 ông đã bắt đầu tự nguyện ngừng việc buôn bán, đấu giá ngà voi. Ông chia sẻ: “Đơn giản vì không có lý do đạo đức hay thương mại nào có thể biện minh cho việc tiếp tục buôn bán những vật liệu này”. Đáng chú ý là doanh thu đấu giá của ông vẫn vượt ngoài mong đợi: “bằng chứng thương mại khách quan rằng doanh nghiệp của chúng tôi không bị ảnh hưởng.” – ông Joel khẳng định.

Khánh Hiền (Theo Abc.net.au)