UBND TP Hà Nội: Chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

BVR&MT – Theo công văn số 4906/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội, thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong 8 tháng đầu năm 2018  tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.

Đất phế thải, rác phế thải chất thành “núi” ven đê có vi phạm pháp Luật đê điều – TP Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn (NN&PTNT), tình trạng vi phạm luật về đê điều  trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều. Một số địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, nhưng kết quả xử lý rất thấp, thậm chí chưa được xử lý: Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì, Gia Lâm, Ứng Hòa. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn để điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Xem thêm:

Bí thư Hà Nội: Cần thấy xấu hổ khi để phố, phường ngập rác

Tam Hiệp (Phúc Thọ – Hà Nội): Người dân sống chung với khói độc hại từ bãi rác

Cụ thể trong công văn chỉ rõ: Đó là tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, khai thác cát không phép, trái phép; tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đế đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; tình trạng xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ để xảy ra nhiều trên tuyến đê tả Đáy, tả Cà Lồ, hữu Cầu; tình trạng đổ phế thải, san lấp lạch sông, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô lớn; tình trạng xây dựng công trình trái phép ở lòng sông, bãi sông.

Đổ đất phế thải ven đê trên địa bàn TP. Hà Nội.

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã với trách nhiệm là người đứng đầu, tập trung chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn, xử lý vi phạm đang tồn đọng, cũng như các vụ việc vi phạm mới phát sinh trên địa bàn, đặc biệt đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn để điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận.

Trong đó, UBND Hà Nội giao Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, các Hạt Quản lý để tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt phải ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm phát sinh mới; phối hợp với các cơ quan truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền những quy định của pháp luật về đê điều; tập huấn công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Từ đó đề xuất ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ công tác quản lý để điều trong kế hoạch tu bổ đê điều hàng năm: Cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới bảo vệ đê điều, xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê, nâng cấp, gia cố mặt đê để tăng tải trọng thiết kế; đề xuất xây dựng kè kết hợp làm đường ven sông đoạn qua khu vực đô thị trung tâm Thành phố nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ chất thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông, cũng như kết hợp phát triển kinh tế – xã hội, cảnh quan đô thị.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và giấy phép hoạt động của các bến bãi khai thác cát sỏi, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông; kiên quyết định chỉ các trường hợp hoạt động không có giấy phép, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các bến bãi hoạt động sai phép.

Văn Trì