U Minh (Cà Mau): Nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS

BVR&MT – Năm 2021, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, phải đương đầu với nhiều thách thức khó khăn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, U Minh còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn hán và nước mặn xâm nhập. Tuy nhiên, bằng những giải pháp phù hợp, linh hoạt, huyện U Minh vẫn đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân…

Kinh tế rừng làm thay đổi toàn diện cuộc sống của người dân dười tán rừng.

Toàn huyện U Minh hiện có 5,7% hộ DTTS sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng lớn. Hầu hết đồng bào DTTS ở U Minh sống bằng nghề làm nông, mua bán nhỏ và lao động phổ thông, tập trung đông nhất ở xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Nguyễn Phích và Khánh Thuận.

Qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới, huyện U Minh có 26.001 hộ, 112.194 khẩu, hộ nghèo chung của huyện 2.435 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 9,37%; hộ cận nghèo 535 hộ, tỷ lệ 2,06%. Tính riêng DTTS có 1.471 hộ, 6.193 khẩu. Trong đó, hộ nghèo 304 hộ, tỷ lệ hộ nghèo DTTS 20,66% tổng số hộ DTTS.

Năm 2021, dịch bệnh covid bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân. Do đó, để hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn, huyện đã cấp hơn 344 tấn gạo; triển khai kịp thời nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP cho gần 20.000 người và doanh nghiệp với số tiền trên 25.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, huyện đã giải quyết việc làm được 2.356 lao động, mở 44 lớp dạy nghề và truyền nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho 1.520 người tham gia, mở các lớp đào tạo nghề nông thôn giúp nâng cao tay nghề cho người lao động, thêm cơ hội cho người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Nhờ đó, thu nhập bình quân năm 2021 đạt 47,5 triệu đồng/năm.

Về xóm Khmer Lớn thuộc ấp 6, xã Khánh Hòa, hình ảnh những con đường trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, cây cầu tạm bợ nay đã được bê tông hóa. Nơi đây có rất nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Như gia đình ông Đào Từ. Trước đây, gia đình ông gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất, nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cá, sò huyết, nên gia đình ông và nhiều hộ Khmer trong xã đã nhanh chóng thoát nghèo. Đặc biệt, vài năm gần đây, nhờ biết áp dụng mô hình nuôi đa canh trên cùng diện tích đất canh tác, gia đình ông, đã có thu nhập bình quân đạt 100 – 150 triệu đồng/năm.

Đồng bào vùng U Minh đã linh hoạt, thích ứng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình bằng nguồn lực có sẵn, nhiều chị em phụ nữ huyện U Minh còn biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao vị thế phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, bước sang năm mới 2022, với tâm thế thích ứng, an toàn với dịch bệnh, huyện luôn tin tưởng đồng bào, các vị sư sãi, cán bộ, chiến sĩ sẽ chia sẻ khó khăn cùng chính quyền địa phương, tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế góp phần thay đổi diện mạo phum, sóc ngày càng khởi sắc.

Để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, không chỉ riêng địa bàn huyện U Minh, mà tỉnh sẽ rà soát toàn bộ để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho những đối tượng yếu thế trong đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chất lượng, cũng như được thụ hưởng các chương trình, dự án từ những chính sách hỗ trợ cho đồng bào, qua đó tạo được sự sự bình đẳng các dân tộc.