Tuyệt chủng hàng loạt đe dọa loài người

BVR&MT – Mất môi trường sống, săn bắn quá mức và biến đổi khí hậu chỉ là một vài thay đổi trên Trái đất do con người gây ra, khiến hành tinh dần tiến tới cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy, cứ mỗi năm có 2 loài động vật có xương sống tuyệt chủng, tốc độ tương đương với các đợt cao trào của 5 kỳ tuyệt chủng hàng loạt trước đó, bao gồm đợt tuyệt chủng gần nhất khiến loài khủng long biến mất vào 66 triệu năm trước.

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, ngày càng nhiều loài bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng đã dẫn đến áp lực huỷ diệt hệ sinh thái, đe doạ đời sống của chính loài người.

Khỉ đột núi tại Uganda. (Ảnh: Rod Waddington/Flickr)

Xấp xỉ 200 loài tuyệt chủng trong vòng một thế kỉ có thể không phải là một con số nghiêm trọng dưới góc nhìn của một đời người. Thế nhưng,theo một nghiên cứu vào năm 2015 được dẫn dắt bởi nhà sinh vật học Gerado Ceballos (Đại học Dân lập Quốc gia Mexico) tốc độ này cao gấp 100 lần các tính toán trong lịch sử. Theo đó, trong“những điều kiện thông thường”, phải mất tới 10 thiên niên kỷ thì chừng ấy loài động vật mới có thể biến mất.

Gerado Ceballos cùng nhóm nghiên cứu đã đặt ra nghi vấn rằng sự tuyệt chủng hoàn toàn của nhiều loài có thể đang che giấu một vấn đề có quy mô lớn hơn: nhiều quần thể tách biệt đang biến mất.

Vì vậy, nhóm quyết định nghiên cứu sâu hơn về cả những loài không nằm trong danh sách nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Để biết được phạm vi và số lượng động vật biến đổi ra sao, họ đã nghiên cứu 27.600 loài động vật có xương sống, tức gần một nửa các loài được biết đến đang tồn tại.

Kết quả, số lượng của gần 1/3 các loài động vật được nghiên cứu đang suy giảm. Biểu đồ nghiên cứu cho thấy một nửa số lượng động vật từng tồn tại trên Trái đất cùng với con người đã biến mất tuyệt đối, với tổng số lên đến hàng tỉ cá thể.

Phát triển nông nghiệp tại Malaysia đang dần lấy đi môi trường sống của loài Đười ươi Bornean cực kì nguy cấp. (Ảnh: John C. Cannon)

Nhóm nhà sinh vật học nghiên cứu sâu hơn về 177 loài động vật có vú vốn đã được nghiên cứu trước đó để nhận định tình trạng sinh sống của chúng kể từ năm 1900. Kết quả cho thấy mỗi loài đã mất đi ít nhất 30% môi trường sống và gần 40% loài mất hơn 80% phạm vi sinh sống trước kia. Chẳng hạn, sư tử châu Phi (Panthera leo) chỉ còn chưa đến 1/3 phạm vi sinh sống so với trước kia, và số lượng loài giảm tới 43% kể từ năm 1993.

Vấn đề ngày càng phức tạp khi một vài khu vực đã trở thành điểm nóng với tỉ lệ suy giảm cá thể cao như rừng nhiệt đới Đông Nam Á, trong khi chỉ còn lại một vài khu vực ít ỏi trên địa cầu còn nguyên vẹn.

Mặc dù được IUCN xếp loại Dễ bị tổn thương nhưng phạm vi sinh sống của Sư tử châu Phi (Panthera leo) vẫn giảm tới 43% kể từ năm 1993. (Ảnh: John C. Cannon)

Vùng nhiệt đới hiển nhiên đang phải chứng kiến nhiều cá thể biến mất nhất, bởi đây là khu vực có sự đa dạng loài cao.Thế nhưng, các nhà khoa học cho biết vùng ôn đới cũng đang đối mặt với tỉ lệ suy giảm cao không kém, nếu không nói là cao hơn. Sự tàn phá này đang len lỏi tới tất cả các lớp động vật có xương sống, từ lớn đến bé, từ phổ biến đến quý hiếm, từ có vú đến lưỡng cư.

Các tác giả cảnh báo, nếu tiếp tục mất đi những mắt xích trong hệ sinh thái mà chính con người đang phải phụ thuộc, không còn nghi ngờ rằng chính bản thân con người sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, nông nghiệp – nền tảng sinh sống của con người –vốn phụ thuộc chủ yếu vào chim chóc, động vật có vú và côn trùng để thụ phấn và kiểm soát sâu bọ.

Mất đi các loài sinh vật tưởng như không liên quan đến con người thực ra lại vô cùng trầm trọng và gần như không thể đảo ngược. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, con người chỉ còn tối đa hai đến ba thập kỉ để sửa sai.

“Sự tiếp nối của các nền văn minh đang bị đe doạ. Nhân loại sẽ không thể duy trì nếu vấn đề này không được xem xét một cách nghiêm túc”, Cebllos khẳng định.

Thu Hà/ Theo Mongabay