Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

BVR&MT – Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Việc xử lý rác ở các bãi tập kết rác thải nông thôn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt.

Một trong những những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng là việc thực hiện triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Báo cáo với Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp ngày 15/2, Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, trong năm 2022, Tổng cục sẽ tập trung: đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM, cấp Giấy phép môi trường; tăng cường năng lực phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải nhựa; đẩy mạnh hoạt động quản lý cải thiện chất lượng môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là chế định về di sản thiên nhiên và chi trả dịch vụ hệ sinh thái…

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về môi trường. Cụ thể, tổ chức tập huấn cho các đối tượng liên quan triển khai hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường; tiếp tục kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương (cấp huyện) trên phạm vi cả nước để kịp thời nắm bắt thông tin, phục vụ xử lý, giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh ngay từ cơ sở. Ngoài ra, chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là việc thực hiện triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tổng cục Môi trường được giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu huy động toàn bộ các đơn vị trực thuộc Bộ cùng tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn khi triển khai thực hiện.

Thời gian tới, Tổng cục sẽ thiết lập cơ chế tiếp nhận, giải đáp trực tuyến các vướng mắc, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp; trình công bố thủ tục hành chính (TTHC)…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp ngày 15/02/2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tổng cục Môi trường trong thời gian tới rất quan trọng. Theo đó, để Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến được những đối tượng khác nhau, Tổng cục cần phải xây dựng nhiệm vụ, phân công công việc cụ thể, đồng bộ; rà soát và hoàn thiện thể chế phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, từ thực tiễn xây dựng được các mô hình quản trị tổng hợp có sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân phù hợp với quá trình phát triển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, đối với những tồn tại về ô nhiễm môi trường hiện nay, phải đưa ra mô hình quản lý có tính thực tiễn, phù hợp với từng điều kiện cụ thể; thanh tra kiểm tra các khu vực có ô nhiễm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học phải tính toán vừa bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo được phát triển kinh tế, sinh kế cho người dân địa phương.

Sơn Tinh