Tuyên Quang xử lý nghiêm các vi phạm về tài nguyên, khoáng sản

BVR&MT – Từ 2018 đến năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành 624 cuộc kiểm tra tình hình khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 350 vụ với 24 tổ chức và 326 cá nhân vi phạm, xử phạt gần 9,7 tỷ đồng, tịch thu 38.000 m3 cát sỏi, trên 6.000 tấn đá sét, 58 tấn cao lanh, 5 tấn quặng barite, 145 tấn quặng chì kẽm, 4.000 tấn quặng nhiễm vàng, 1 tấn quặng vonfram và nhiều dụng cụ thô sơ tự chế dùng khai thác.

Lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Lô.

Trong thời gian từ ngày 15/1 đến 22/3/2022 (thời điểm phát hiện và bị các cơ quan chức năng lập biên bản), Phạm Văn Tuân, sinh năm 1981, trú tại thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương đã có những hành vi vi phạm về sử dụng đất đai tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Cụ thể: Chuyển 2.547,9 m2 đất trồng cây hằng năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chiếm 1.092,2 m2 đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn và đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà tôn, lắp đặt băng chuyền vận chuyển cát, làm bãi chứa cát sỏi trái phép.

Với những vi phạm đó, ngày 29/3/2022, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định số 10/QĐ-XPHC xử phạt Phạm Văn Tuân với tổng mức phạt là 47,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm nêu trên; đồng thời buộc Tuân phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ các hành vi vi phạm mà có và trả lại hiện trạng đất ban đầu trong thời gian 30 ngày.

Trước đó, tháng 4/2021, nhận được tin báo của nhân dân tại khu vực thôn Lay, xã Hùng Lợi có một số đối tượng khai thác khoáng quặng chì kẽm trái phép, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp Ủy ban nhân dân xã Hùng Lợi, Công an xã và các ngành có liên quan kiểm tra, tiến hành san lấp, xây bịt cửa hầm khai thác tại 2 điểm khai thác khoáng sản trái phép, bắt giữ 1 xe vận chuyển quặng chì, kẽm trái phép với khối lượng gần 6 tấn.

Ông Triệu Văn Thượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cho biết, trước đây hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã rất phức tạp, nhiều đối tượng ở các tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai đến để khai thác trái phép quặng chì, kẽm gây ra tranh chấp làm mất an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Năm 2019, Công ty cổ phần khoáng sản kim loại màu Thành Phát được cấp phép khai thác tại xã. Ủy ban nhân dân xã đã yêu cầu Công ty Thành Phát phải có thông báo kế hoạch, địa điểm, phương tiện khai thác; đồng thời thành lập tổ tuần tra thường xuyên kiểm tra các khu vực để phát hiện kịp thời những điểm khai thác quặng trái phép và tổ chức san lấp các điểm khai thác quặng thủ công trái phép. Nên đến nay trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Trên địa bàn huyện Yên Sơn, hiện có 24 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại 27 điểm mỏ gồm: 16 đơn vị khai thác cát, sỏi; 2 đơn vị khai thác quặng sắt, chì, kẽm và 6 đơn vị khai thác đá vôi.

Để đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tập trung quản lý các cơ sở khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Tăng cường rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện ngăn chặn, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản, các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng khi có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm khai thác khoáng sản trái phép.

Trong năm 2021, huyện Yên Sơn đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, khoáng sản 23 trường hợp vi phạm trong đó có hai tổ chức và 21 cá nhân với số tiền phạt 967,5 triệu đồng.

Tỉnh Tuyên Quang có nhiều loại khoáng sản nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ. Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp phép cho 82 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, với 114 giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực trên diện tích 2.479 ha. Để quản lý khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, nhất là cấp xã, cấp huyện trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 3 năm thực hiện đến năm 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã tiến hành 624 cuộc kiểm tra đã phát hiện, xử lý 350 vụ với 24 tổ chức và 326 cá nhân vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; xử phạt gần 9,7 tỷ đồng, tịch thu 38.000 m3 cát sỏi, trên 6.000 tấn đá sét, 58 tấn cao lanh, 5 tấn quặng barite, 145 tấn quặng chì kẽm, 4.000 tấn quặng nhiễm vàng, 1 tấn quặng vonfram và nhiều dụng cụ thô sơ tự chế dùng khai thác.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hàng năm Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp các huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những thông tin báo chí nêu… kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các dự án có vi phạm, thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Trong 3 năm (2018 – 2020) đã đóng cửa 4 mỏ khoáng sản, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đóng cửa hoàn toàn 12 mỏ khoáng sản của 8 doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực khoáng sản, nước, bảo vệ môi trường trên 813 triệu đồng đối với 11 doanh nghiệp; phạt cảnh cáo 1 doanh nghiệp; đình chỉ khai thác thời hạn 6 tháng đối với 1 doanh nghiệp.